![]() |
Chuột bị sinh vật ký sinh điều khiển tự nhảy vào miệng mèo. |
Để làm cho kiến dễ bị lộ diện, sán ký sinh không chỉ làm trì độn các phản xạ và bản năng sống sót của chúng, mà còn làm cho màu sắc giác tố của chúng trở nên sáng hơn để gõ kiến dễ nhận ra.
Những con giun đầu có ngạnh ký sinh trong tôm đầm cũng có ý tưởng trên, nhưng áp dụng theo một phương pháp khác. Frank Crzilly, Đại học Bourgogne, cho biết: "Những con giun ký sinh này có màu sắc và nhìn thấy được qua vỏ mỏng bọc mình con tôm, do vậy dễ được các con chim ăn tôm, cá chú ý đến". Sống nhung nhúc trong bụng tôm, sán ký sinh làm đảo lộn hành vi của chủ nhà, khiến nó hướng đến nơi có ánh sáng và mặt nước (ngược lại hoàn toàn hành vi của một con tôm lành). Hơn nữa, khi nghe động nước, một con tôm lành mạnh lập tức lặn xuống; còn con tôm bị nhiễm giun sán, khi nước mới hơi xao động, đã cựa mình dữ dội, cứ như nó muốn hét to lên: "Ăn tôi đi, ăn tôi đi", để con vật săn mồi tiến lại gần.
Người ta cũng thấy hiện tượng hội tụ tiến hoá tương tự ở loài tôm đầm, nhưng với loài giun sán khác - sán lá gan. Chúng không trú ngụ trong bụng tôm mà ký sinh ở trong não nó. Loài cá vằn nhỏ tại Canada cũng có hành động tự sát do gặp phải loài ký sinh tương tự. Bị sán lá gan sống nhờ, con cá vằn này quên mọi khái niệm nguy hiểm và bơi một mình ra ngoài đàn, ở những nơi nguy hiểm dễ bị các con chim bói cá châu Mỹ nhào xuống bắt. Giống chim này sẽ trở thành chủ nhà cuối cùng trong chu trình sinh sản của loài sán trên.
Các nhà nghiên cứu mới chỉ khám phá ra vài điểm trong cách thức sán ký sinh làm tôm "chủ nhà" bị điên: có thể con sán lá gan đã dùng đến một chất truyền dẫn thần kinh, tác động đến não. Simone Felluy, thuộc Đại học Wellesley (Mỹ) đã chứng minh điều đó bằng cách tiêm sérotonine vào con tôm, khiến nó có trạng thái tương tự những con tôm bị sán ký sinh xâm hại.
Tuy vậy, ở một số côn trùng cánh mỏng (như bò vẽ, kiến, các loài ong khác...), khi buộc phải làm "chủ trọ" trung gian cho các loài ký sinh trùng, cũng đã có phản ứng trở lại: chúng kiểm soát sự phát triển và hệ miễn dịch của sâu "khách" bằng cách đưa vào đó trứng của chúng, cùng với "virus" mà chúng tự tạo ra từ gene của mình. Khi khởi động, các gene từ virus sẽ làm hoán đổi sinh lý của con sâu theo hướng có lợi cho trứng của côn trùng cánh mỏng.
Nhưng phải chăng chỉ những sinh vật mang bộ não nhỏ xíu mới dễ dàng bị vật ký sinh sai khiến? Hoàn toàn không phải như vậy. Chẳng hạn như vi sinh vật nguyên sinh toxoplasme, chuyên ký sinh ở các động vật lớn, có thể lây nhiễm sang tất cả các loài động vật có vú, trong đó có con người. Ở người, nó gây ra một chứng bệnh mang tên toxoplasmose, chỉ nguy hiểm đối với phụ nữ. Loài ký sinh này cũng thường chọn chuột làm nơi tá túc, nhưng chúng ưa chuộng nhất là ở loài mèo. Muốn vậy, khi đã chui được vào sọ của con chuột, "con" toxoplasme biến sự hiềm kỵ thành sự hấp dẫn, nên thay vì trốn tránh, con chuột lại lui tới nơi các chú mèo thường lai vãng, cho đến khi gặp con vật khắc tinh, tự động "nhảy vào miệng mèo". Michell Berdoy và cộng sự ở Đại học Oxford (Anh) đã chứng minh điều đó tại phòng thí nghiệm. Thay vì trốn tránh mùi của con mèo, các con vật gặm nhấm khốn khổ bị vật ký sinh xâm hại và sai khiến lại hít hơi con mèo một cách bình tĩnh, đôi khi còn thích nó hơn cả mùi đồng loại.
Gần 70% dân số nước Pháp mang toxoplasme. Cho dù từ bộ não của chuột đến não của người có khác biệt lớn, song không thể không nghĩ đến hậu quả mà con vật ký sinh kia có thể gây ra ở các "chủ trọ" là con người. Đây còn là một vấn đề còn đang được nghiên cứu.
Vả chăng, tuy không sai khiến chúng ta đi đến một thái độ ứng xử tự sát, song một vài con vật ký sinh cũng có thể đạt được việc kiểm soát một số cử chỉ của chúng ta. Các con oxyrures chẳng hạn - loài sán ở trong ruột - buộc trẻ em cứ phải gãi mông lia lịa. Trứng của các con sán này bám trên ngón tay đứa bé. Và thế là việc phát tán chúng được đảm bảo rồi. Theo một số nhà nghiên cứu, việc hắt hơi, ho đều nằm trong kho phương tiện mà các vật ký sinh phát triển để buộc chúng ta truyền bá chúng cho đồng loại.
Kiến thức ngày nay (Theo Sciences et Avenir)