Những người dân vùng biển miền Trung có lẽ sẽ khó quên Chanchu - cơn bão đã nhấn chìm hàng chục con tàu với hơn 200 ngư dân xuống biển vào tháng 5/2006.
10 năm trước, nói về bão Chanchu - một cơn bão xa bờ - ông Lê Huy Ngọ đã yêu cầu từ nay không được nói cụm từ bão “gần bờ” hay “xa bờ” nữa, vì bão xa bờ nhưng có thể "gần dân". Khái niệm “bão xa bờ” có thể gây chủ quan cho hệ thống. Bão Chanchu cũng đặt ra vấn đề trang bị thiết bị liên lạc cho ngư dân và tăng cường công nghệ dự báo thời tiết của Việt Nam, từ 24 giờ lên 48 giờ.
Đã có nhiều đổi thay. Nhưng tuần này, khi tôi gặp lại nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ, ông vẫn giữ một ý tưởng từ 10 năm trước đến giờ vẫn chưa thực hiện được: dựng đài tưởng niệm những nạn nhân của bão. Ông Ngọ đã nói đến điều này nhiều lần khi đương nhiệm. Lập luận của ông là, quá trình dựng nước và giữ nước của Việt Nam, không chỉ có chiến tranh. Ở một đất nước có 3.260 km bờ biển, liên tục gánh chịu thiên tai bão lụt, đã có nhiều người thiệt mạng. Với ông họ cũng chính là những người giữ nước. Trong những cơn bão như Chanchu, thì chính ngư dân là người bảo vệ đường biên trên biển. Trong những cơn bão ấy, ngoài các cơ quan chức năng, thì chính ngư dân là những người cứu ngư dân trên biển: họ là lực lượng có mặt sớm nhất để phản ứng với cơn bão. Không ít người đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khi nỗ lực cứu đồng bào mình. Họ, những người bình thường, cũng cần được tưởng nhớ.
Ông Ngọ kể với tôi về những chuyến thăm Nhật Bản. Ở đó, họ dựng tượng đài của những nạn nhân chết vì sóng thần, vì động đất, vì bão. Những đài tưởng niệm nạn nhân của thảm họa tự nhiên, như là lời nhắc nhở những người đang sống về sự nguy hiểm của thảm họa, và sẵn sàng tâm lý phòng chống. Bão Chanchu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, một phần chính bởi tâm lý mất cảnh giác về cái khái niệm “bão xa bờ”.
Những đài tưởng niệm nạn nhân của thảm hoạ tự nhiên không chỉ có ở Nhật Bản. Việc xây dựng chúng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Còn ở ta, liệu có con số thống kê nào trong 10 năm qua đã có bao nhiêu người chết vì thảm họa bão lũ hay chỉ là những con số thống kê đơn lẻ của từng cơn bão. Và khi bão qua đi, những con số đó cũng chỉ được liệt kê để thăm hỏi và cứu trợ.
Nếu có thể, tôi cũng muốn có cách nào đó để ghi dấu quá khứ. Chúng không nhất thiết phải là những tượng đài hoành tráng, chúng có thể là những tấm bia ghi tên những người đã ngã xuống trong quá trình "giữ nước” như lời ông Ngọ. Hoặc một công trình điêu khắc đơn giản, để những người đi qua đứng lại, thắp nén tâm hương. Bạn có thể bắt gặp những công trình như thế ở bất kỳ đâu ven những bờ biển trên thế giới, từ Nhật Bản, Maldives đến Samoa.
Việc xây dựng tượng đài tại nước ta đang gây rất nhiều tranh cãi. Nhưng tôi tin, rằng sự hoài nghi chỉ đến với những tượng đài quá lãng phí trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp. Tôi nghĩ rằng việc có những “cột mốc” theo nghĩa đen của nó về một sự kiện lịch sử - như một cơn bão thương đau - sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ.
Đài tưởng niệm hay một công trình điêu khắc đơn giản - bằng cách nào cũng được. Nhưng cần lưu lại, để tưởng niệm người đã chết và nhắc nhở người còn sống về bài học có được bằng sự trả giá của những sinh mạng.
Lê Anh Ngọc