Ngày 4/8, ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thư, Khoa Sản, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết vừa tiếp nhận người phụ nữ 38 tuổi đến sinh con lúc thai 39 tuần 2 ngày. Sản phụ có tiền căn mổ lấy thai một lần năm 2016. Thai kỳ này được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, điều trị bằng cách điều chỉnh lối sống và chế độ ăn.
Khi nhập viện, bác sĩ đánh giá thai nhi to quá mức, ước lượng cân nặng hơn 4,6 kg và siêu âm ghi nhận tình trạng đa ối. Sản phụ được chỉ định mổ lấy thai, bé gái chào đời với cân nặng 5,1 kg.
Theo bác sĩ Thư, khi ước lượng cân nặng thai trên 3,5 kg bất kể tuổi thai, được đánh giá là thai to. Các đặc điểm yếu tố gia đình, chủng tộc có thể ảnh hưởng đến cân nặng trẻ. Ngoài ra còn có yếu tố khác như mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường trước khi mang thai, mẹ béo phì hay tăng cân quá mức...
"Vẫn còn nhiều người quan niệm sinh con càng to càng dễ nuôi mà không biết rằng điều này khiến cả mẹ và bé có thể đang đối diện với nhiều nguy cơ", bác sĩ nói.
Hậu quả thai to có thể ảnh hưởng nặng nề với cả mẹ và bé, làm tăng khả năng chuyển dạ kéo dài, tổn thương đường sinh dục khi sinh thường, nguy cơ sinh mổ. Mẹ còn đối diện nguy cơ vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, hậu phẫu. Về sau, mẹ có thể mắc bệnh đái tháo đường type 2 hoặc tăng huyết áp mạn tính.
Nguy cơ đột tử thai nhi trong bụng mẹ cũng tăng hơn bình thường. Thai nhi có thể bị ngạt hoặc chấn thương khi sinh, dễ bị hạ đường huyết, hội chứng suy hô hấp sau sinh. Về sau, trẻ có nguy cơ bị béo phì, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trước khi có ý định có thai nên khám tổng quát tầm soát các bệnh lý đái tháo đường và tim mạch. Người béo phì nên giảm cân hiệu quả trước khi mang thai. Khám thai định kỳ, tầm soát đái tháo đường thai kỳ và kiểm soát đường huyết tốt nếu bị đái tháo đường.
Lê Phương