Ngày 7/4, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng, Chủ nhiệm khoa Phụ sản, Bệnh viện Quân y 354, cho biết: "Trường hợp này rất đặc biệt vì khả năng có con tự nhiên ở phụ nữ ngoài 50 tuổi là rất khó". Rất ít người ở tuổi này còn trứng, kể cả thụ tinh ống nghiệm cũng rất khó thụ thai.
Người phụ nữ trước đó đã sinh hai con trai, hiện ở tuổi mãn kinh. Lần này chị không biết mang thai, đến khi cảm giác trong bụng có chuyển động (do thai nhi cử động), đi khám mới biết có bầu.
Theo bác sĩ Phượng, bệnh nhân lo lắng, muốn đình chỉ thai vì sợ con có nguy cơ dị tật. Kết quả kiểm tra cho thấy các chỉ số phát triển của thai nhi bình thường. Bác sĩ động viên thai phụ và gia đình giữ thai nhi, đồng thời theo dõi, thăm khám định kỳ. May mắn, hai mẹ con đều ổn định sức khỏe, sinh đúng dự kiến.
Phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi đã lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn. Mẹ càng lớn tuổi, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo.
Tại Việt Nam, hầu hết trường hợp mang thai ngoài 50 tuổi đều nhờ can thiệp hỗ trợ sinh sản. Trong đó, sản phụ 61 tuổi, ở Hà Nội, là trường hợp lớn tuổi nhất, mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng người chồng, bé gái chào đời năm 2018 nặng 2,6 kg. Một sản phụ khác, 60 tuổi, ở Bắc Giang, sinh con lần ba, cũng nhờ thụ tinh ống nghiệm. Một phụ nữ khác sinh con trai ở tuổi 58 sau khi mãn kinh được hai năm, phải xin noãn của người khác để thụ tinh trong ống nghiệm.
Người phụ nữ Ấn Độ sinh đôi ở tuổi 74, là người cao tuổi nhất thế giới sinh con.
Minh An