Một ngày tháng 9, Matarause chuyển dạ và được đưa tới phòng khám Mufakose Polyclinic ở thủ đô Harare. Khi trời vừa tối, cả phòng khám bỗng tối om vì mất điện.
"Tôi sinh vào buổi tối mà điện lại bị cắt nên họ phải thắp nến để đỡ đẻ cho tôi", người mẹ 26 tuổi chia sẻ về lần sinh đứa con thứ hai.
Matarause kể lại khi đó trong phòng chỉ có một cây nến nên các nữ hộ sinh phải sử dụng thêm đèn pin để nhìn rõ hơn. Một người trong số họ bắt đầu đỡ đẻ cho cô, trong khi những người còn lại cầm đèn pin và nến vây xung quanh.
"Khi đó tôi chỉ biết cầu nguyện sẽ không có biến chứng gì vì sợ điều tồi tệ có thể xảy đến. Khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm", Matarause sợ hãi nhớ lại ngày hôm đó.

Sản phụ đang ngồi chờ sinh tại một phòng khám ở tỉnh Mashonaland, Zimbabwe, năm 2017. Ảnh: ONE Campaign.
Không riêng Matarause, nhiều phụ nữ Zimbabwe cho biết đã phải sinh con dưới ánh sáng yếu ớt của nến, đèn pin, thậm chí đèn điện thoại vì thiếu điện.
Đầu năm nay, Cơ quan Cấp điện Zimbabwe (ZESA) thông báo cắt điện luân phiên khi mực nước hồ Kariba, nguồn cung cấp chính cho nhà máy thủy điện, giảm mạnh. Hầu hết các bệnh viện và cơ sở y tế ở khu vực ngoại ô và vùng nông thôn ở Zimbabwe đều nằm trong danh sách bị cắt điện, trừ các bệnh viện lớn ở thủ đô Harare như Bệnh viện Trung tâm thành phố Harare và Bệnh viện Parirenyatwa.
Một nữ hộ sinh ở phòng khám Mufakose Polyclinic cho biết họ thường yêu cầu các thai phụ mang theo đèn pin khi tới đây sinh con.
Hầu hết phụ nữ ở quốc gia châu Phi này đều chọn sinh con ở các phòng khám, bệnh viện nhỏ với trang thiết bị ở mức cơ bản nhưng có chi phí thấp, chỉ 200 đôla Zimbabwe (khoảng 0,5 USD) cho mỗi ca sinh.
Cơ quan Khảo sát Sức khỏe và Dân số Zimbabwe lo ngại việc sinh con trong điều kiện thiếu ánh sáng có thể làm gia tăng tỷ lệ tử vong cho sản phụ vì các biến chứng có thể xảy ra. Cơ quan này ước tính có tới 651 ca tử vong trong tổng số 100.000 ca sinh nở mỗi năm ở Zimbabwe.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) mô tả tỷ lệ sản phụ tử vong ở Zimbabwe ở mức cao "không thể chấp nhận", dù đã có dấu hiệu giảm trong 5-10 năm trở lại đây.
Để đối phó với tình trạng cắt điện, một số bệnh viện, phòng khám đã sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng dầu cho bệnh nhân tới sinh con. Tuy nhiên, chi phí sử dụng các máy phát điện này vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình ở Zimbabwe, bởi giá xăng dầu ở đây vô cùng đắt đỏ, khoảng 16-17 đôla Zimbabwe.
Tại Bệnh viện Chiredzi, một cơ sở y tế do nhà nước quản lý cách Harare gần 500 km về phía đông nam, y bác sĩ phải tự tìm cách xoay xở khi chính quyền địa phương không thể mua được nhiên liệu chạy máy phát điện.
"Trong các ca sinh nở cần phẫu thuật hoặc cấp cứu khẩn cấp, không có điện là một điều thật sự tồi tệ", bác sĩ David Tarumbwa ở Bệnh viện Chiredzi, cho biết.
Emmanuel Mahlangu, Chủ tịch Liên đoàn Nữ hộ sinh Zimbabwe, cho biết với các ca sinh vào ban đêm hoặc phải phẫu thuật, yêu cầu hàng đầu chính là ánh sáng.
"Một ca sinh nở phức tạp có thể phải dùng máy móc để hồi sức cấp cứu cho em bé, hoặc sản phụ trong trường hợp khẩn cấp, cũng như cần ánh sáng để có thể tiến hành phẫu thuật", Mahlangu chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề này đang dần được giải quyết và có lẽ không lâu nữa, những sản phụ như Mitchell Matarause sẽ không còn phải trải qua cảnh sinh con dưới ánh nến, khi tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại California (Mỹ) We Care Solar đang hợp tác cùng tổ chức phi chính phủ địa phương, ZimEnergy Eco Foundation, lắp đặt hệ thống cung cấp điện từ năng lượng mặt trời tại các phòng khám và bệnh viện ở Zimbabwe.
Xuất hiện từ năm 2010, "valy năng lượng mặt trời" có thể cung cấp ánh sáng và giúp các bác sĩ theo dõi tim thai. Hiện 4.000 trung tâm y tế ở châu Phi và châu Á đã được trang bị công nghệ mới này.

Valy năng lượng mặt trời được lắp đặt tại một cơ sở y tế ở Zimbabwe năm 2017. Ảnh: WeCareSolar.
Riêng tại Zimbabwe, We Care Solar đã hỗ trợ 136 cơ sở y tế tại tỉnh Đông Matabeleland, Nam Matabeleland và Masvingo sử dụng valy năng lượng mặt trời kể từ năm 2016, và mong muốn tiếp tục mở rộng phạm vi dự án.
"Chúng tôi đặt mục tiêu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại tổng cộng 1.000 cơ sở y tế ở quốc gia châu Phi này", Shamiso Moyo, quản lý dự án của We Care Solar ở Zimbabwe, cho biết.
Emmanuel Mahlangu, Chủ tịch Liên đoàn Nữ hộ sinh Zimbabwe, lạc quan rằng dự án này sẽ mở ra tương lai tươi sáng hơn cho phụ nữ ở Zimbabwe và ở nhiều quốc gia nghèo khác trên thế giới, khi không còn bất kỳ ai phải sinh con dưới ánh nến.
Thanh Tâm (Theo Aljazeera)