Viện Quản lý phát triển (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ vừa công bố bảng xếp hạng thường niên các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2019. Năm nay, Singapore dẫn đầu nhờ cơ sở hạ tầng về công nghệ tiên tiến, lao động tay nghề cao, luật nhập cư hấp dẫn và tính thuận tiện khi thành lập công ty.
Hong Kong (Trung Quốc) xếp nhì, với môi trường chính sách kinh doanh và thuế dễ chịu, cùng khả năng tiếp cận tài chính tốt. Mỹ tụt hai bậc so với năm ngoái, xuống thứ 3, do sự tự tin từ chính sách giảm thuế năm nay đi xuống và xuất khẩu công nghệ cao yếu đi. Xếp cuối danh sách vẫn là Venezuela.
Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có thứ hạng khá tốt. 11 trên 14 nền kinh tế tại đây giữ nguyên hoặc thăng hạng.
Indonesia có sự cải thiện mạnh nhất trong khu vực, khi tăng 11 bậc lên thứ 32 toàn cầu, nhờ tiến bộ trong hoạt động của chính phủ, cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh doanh. Thái Lan tăng 5 bậc lên thứ 25, nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hiệu suất lao động tăng. Ngược lại, Nhật Bản tụt 5 bậc do tăng trưởng kinh tế chậm lại, nợ công cao và điều kiện kinh doanh suy giảm.
Tại châu Âu, Anh tụt hạng từ 20 xuống 23, do các bất ổn quanh vấn đề Brexit. Na Uy cũng rơi khỏi top 10. Trong khi đó, vị trí của Thụy Sĩ lại được cải thiện, khi tăng một bậc để tiếp tục là nền kinh tế cạnh tranh nhất châu Âu.
Danh sách của IMD được công bố thường niên từ năm 1989, đánh giá 63 nền kinh tế dựa trên 235 chỉ số. Ngoài các nhóm dữ liệu cứng như tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế và chi tiêu công cho y tế - giáo dục, báo cáo còn đánh giá các dữ liệu mềm, lấy từ khảo sát với lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế về độ gắn kết xã hội, toàn cầu hóa hay tham nhũng. Các nền kinh tế được đánh giá theo 4 nhóm lớn - Tình hình kinh tế, Cơ sở vật chất, Hiệu suất của Chính phủ và Hiệu suất của Doanh nghiệp. Trong danh sách các nước được đánh giá không có Việt Nam.
Hà Thu (theo Bloomberg)