Báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu 2015 (Worldwide Cost of Living) EIU vừa công bố cho thấy 5 thành phố có giá sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới năm nay không đổi so với năm ngoái, lần lượt là Paris (Pháp), Oslo (Na Uy), Zurich (Thụy Sĩ) và Sydney (Australia).
Khảo sát của EIU gồm 140 thành phố trên thế giới, so sánh giá cả hơn 160 sản phẩm và dịch vụ, như thực phẩm, trang phục, giao thông, giáo dục của các thành phố này với New York. Những thông tin dùng trong báo cáo được đăng tải trực tuyến, giúp tính toán chi phí khi đi công tác hoặc làm việc tại nước ngoài.
Về hàng hóa cơ bản, Singapore đắt hơn New York 11%. Còn về trang phục, quốc đảo này cùng Seoul là nơi đắt đỏ nhất thế giới, với giá "cao hơn New York 50%", EIU cho biết. Người mua xe tại Singapore cũng phải trả nhiều khoản thuế phí lên tới gần 100% giá trị phương tiện. Từ năm ngoái, quốc đảo này đã vượt Tokyo để đứng đầu danh sách.
EIU nhận xét 5 vị trí dẫn đầu rất khó thay đổi, đặc biệt khi giá dầu giảm và giảm phát đang gây áp lực lên nhiều quốc gia. Biến động ngoại tệ và giá dầu có ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của một vài nước. Rõ thấy nhất là Venezuela. Thủ đô Caracas của họ đã trượt tới 124 bậc, từ thứ 6 năm ngoái xuống một trong những thành phố rẻ nhất năm nay.
Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) là hai đại diện khác tại châu Á góp mặt trong top 10. Do giảm phát và đồng yen yếu đã khiến Tokyo và Osaka (Nhật Bản) tụt hạng.
Các thành phố ở cuối danh sách là Karachi (Pakistan) và Bangalore (Ấn Độ). Ấn Độ đóng góp tới 4 đại diện trong 10 thành phố top cuối. EIU cho rằng lương thấp và trợ giá với một số mặt hàng đã khiến các thành phố của Ấn Độ có chi phí sinh hoạt rẻ. Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đang phải tiếp tục cuộc chiến chống suy giảm kinh tế và áp lực giảm phát tăng cao những năm gần đây.
Tại Việt Nam, EIU cho biết có tiến hành khảo sát tại 2 thành phố là Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, kết quả cụ thể không được công bố trong báo cáo này.
Hà Thu