Chương trình đầu tư xanh (GIP) của MAS nhằm thúc đẩy các dự án bền vững với môi trường và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu ở Singapore và khu vực. GIP là một phần quan trọng trong kế hoạch hành động về tín dụng "xanh", được ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Giáo dục kiêm Thành viên điều hành MAS công bố tại khai mạc Singapore FinTech Festival (SFF) 2019 hôm 11/11.
"Tài chính thúc đẩy kinh tế và kinh doanh. Nó quyết định các quyết định đầu tư và thúc đẩy hành động. Chúng ta phải làm cho tài chính 'xanh', để thúc đẩy hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu", ông nói.
Tiền từ GIP sẽ được rót vào các công ty quản lý tài sản có mục tiêu thúc đẩy các dự án "xanh" và có đóng góp sáng kiến về tín dụng "xanh" cho cơ quan này. Theo đó, đơn vị được chọn phải thể hiện rõ cam kết trong việc tăng cường đầu tư vào các dự án có tính bền vững, thông qua các hoạt động nghiên cứu, quản lý các danh mục đầu tư, tập trung vào phát triển "xanh".
Khoản đầu tư đầu tiên từ GIP trị giá 100 triệu USD vào Quỹ đầu tư trái phiếu xanh (GBIP) của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). MAS hy vọng sáng kiến này sẽ tạo động lực hơn nữa cho thị trường trái phiếu "xanh".
Cũng trong hôm 11/11, MAS đã công bố hoàn thành giai đoạn 1 của giải pháp nền tảng kinh doanh xuyên biên giới BSB, được gọi là "Proof-of-Concept (POC). BSB là một trung tâm kết nối nhiều nền tảng bán hàng B2B khác nhau dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dùng trí thông minh nhân tạo (AI).
Cụ thể, thay vì phải tiếp cận các nền tảng B2B riêng biệt ở từng nước muốn giao thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thông qua trung tâm kết nối BSB như đầu mối duy nhất để tiếp cận các chuỗi cung ứng khác nhau, tìm kiếm và sử dụng các giải pháp tài chính và kỹ thuật số có liên quan.
POC được thực hiện trong 9 tháng, với sự cộng tác của GlobalLinker, Mastercard, PwC, SAP và Yellow Pages, đã thể hiện tính khả thi về kinh doanh và kỹ thuật. Dự kiến, giai đoạn hai bắt đầu cho phép giao dịch thực tế triển khai từ năm sau.
"Cùng với Singapore hoàn thành thành công POC, chúng tôi tin rằng BSB sẽ là chất xúc tác, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp châu Á, bao gồm Ấn Độ và các nước ASEAN, có thể linh hoạt và mở rộng quy mô trên toàn cầu. Nền tảng kỹ thuật số này trao quyền cho họ tiếp cận các đối tác thương mại và cơ hội kinh doanh, giúp thúc đẩy tăng trưởng và thương mại xuyên biên giới", ông Ari Sarker, Đồng chủ tịch Mastercard Châu Á - Thái Bình Dương nhận xét.
Viễn Thông