Bộ Công Thương Singapore hôm nay ra thông cáo nước này đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Họ là quốc gia thứ ba thực hiện việc này, sau Mexico và Nhật Bản.
Bộ trưởng Công Thương Singapore - Chan Chun Sing nhận định: “CPTPP sẽ bổ sung vào mạng lưới hiệp định thương mại tự do song phương hiện tại của Singapore, củng cố giao thương với các nước châu Á - Thái Bình Dương và tạo ra dòng chảy xuyên suốt về hàng hóa - dịch vụ - đầu tư”. Hiệp định này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 đầu tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh cho biết, hồ sơ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được tích cực chuẩn bị và sẽ trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm, vào tháng 10.
CPTPP gồm 11 quốc gia trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trừ Mỹ. Sau khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP đầu năm 2017, việc đàm phán CPTPP bắt đầu. Quá trình này đã hoàn tất vào tháng 1 năm nay. CPTPP cũng được các nước ký kết vào tháng 3 tại Chile.
CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi được 6 nước trong hiệp định phê chuẩn. “CPTPP là hiệp định chất lượng cao, sẽ giảm rào cản thị trường và thúc đẩy thương mại trong thị trường 500 triệu dân với GDP tổng cộng 10.000 tỷ USD”, Bộ Công Thương Singapore cho biết.
Hôm qua, trong thông cáo chung sau cuộc họp cấp cao tại Tokyo, Thái Lan và Nhật Bản cũng đồng ý xúc tiến hợp tác để quốc gia Đông Nam Á này gia nhập CPTPP. Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ Thái Lan để tăng hợp tác kinh tế hai nước và thúc đẩy thương mại tự do.
Sau khi Mỹ rút lui, Nhật Bản luôn thể hiện quan điểm tăng số thành viên trong CPTPP. Họ cũng khẳng định mong muốn Mỹ quay trở lại hiệp định này.
Hà Thu (theo CNA/Bangkok Post)