Chính phủ Singapore đang lo ngại dòng người giàu đổ đến mua bất động sản sẽ khiến người dân địa phương hạn chế khả năng mua nhà cũng như giảm sức cạnh tranh của đảo quốc với tư cách là một trung tâm tài chính.
Theo đó, chính phủ nước này ngày 27/4 quyết định nâng thuế suất mua nhà gấp đôi với bất cứ người nước ngoài nào mua nhà, từ 30% lên 60%. Công dân Singapore khi mua căn nhà thứ hai sẽ phải chịu mức thuế 20% (mức cũ 17%); còn người thường trú, mức thuế là 30%, tăng 5%. Ngoài ra, mức thuế cho công dân nước này khi mua từ bất động sản thứ ba trở lên cũng tăng từ 25% lên 30%.
Chính sách thuế mới nhất này của Singapore tuân theo các đợt tăng thuế được áp dụng tháng 12/2021 và thắt chặt quy định mua nhà vào tháng 9/2022. Chính phủ cũng đã tăng thuế với người mua bất động sản cao cấp vào đầu năm nay.
"Nếu không kiểm soát, giá cả có thể đi trước cả các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế dẫn đến nguy cơ giá nhà tăng liên tục so với thu nhập", Chính phủ Singapore cho biết. Hiện nhu cầu mua nhà để ở của người dân lẫn mua để đầu tư của giới nhà giàu trong và ngoài nước đều rất mạnh mẽ.
Nhà phân tích Brandon Lee của Citigroup nói động thái tăng giá nhà với người mua nước ngoài đã được dự báo, nhưng mức tăng gấp đôi được đánh giá là "khắc nghiệt". Điều này có thể tác động tiêu cực đến cổ phiếu của các doanh nghiệp phát triển địa ốc.
Citigroup cũng cho rằng tốc độ tăng giá nhà sẽ chậm lại trong vài quý tới. Tuy nhiên, mức giảm nhiều nhất chỉ khoảng 2%. Giá nhà đã tăng 3,2% trong quý I.
Ngay sau thông tin về mức thuế mới, cổ phiếu của City Developments đã giảm tới 6% vào thứ Năm, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2020. UOL Group Ltd. giảm tới 5,3%.
Lĩnh vực bất động sản của Singapore vừa qua vẫn sôi động trong khi các nước khác đang đối mặt với tình trạng suy thoái vì lãi suất, lạm phát tăng cao. Nguyên nhân một phần là dòng tiền - đặc biệt từ những người Trung Quốc giàu có - đổ vào. Sự thiếu hụt nguồn cung, chi phí xây dựng tăng cao trong thời kỳ đại dịch cũng đẩy giá nhà và tiền thuê lên cao, gây ra sự bất bình trong dân cư.
Đức Minh (theo Bloomberg)