Ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ) hôm 25/6 công bố báo cáo Thịnh vượng và Phong cách sống Toàn cầu. Mục đích là đánh giá "chi phí cho lối sống xa xỉ" tại các thành phố trên khắp thế giới.
Theo đó, Singapore là thành phố đắt đỏ nhất với người giàu thế giới năm thứ hai liên tiếp. Xếp sau là Hong Kong (Trung Quốc), tăng một bậc so với năm ngoái.
Tuy nhiên, các thành phố châu Á khác lại tụt hạng. Thượng Hải (Trung Quốc) năm ngoái đứng thứ hai, nhưng năm nay rơi xuống thứ tư. Đài Bắc (Trung Quốc) đứng thứ 8 năm ngoái, thì năm nay lại rời top 10. Tokyo giảm từ thứ 15 xuống 23, do đồng yen yếu.
Ngược lại, các thành phố châu Âu lại lọt top 10. Milan, Zurich và Paris đều có mặt trong top đầu.
Julius Baer giải thích nguyên nhân chính cho sự thay đổi này là biến động tỷ giá. Lãi suất tại Mỹ tăng cao thời gian qua gây sức ép lên nhiều tiền tệ châu Á, khiến chi phí ở những nơi này thấp đi khi quy đổi sang USD.
"Chúng ta có xu hướng quên rằng chi phí sinh hoạt sẽ khác hoàn toàn trong mắt một người ở nơi khác, đặc biệt nếu người đó chỉ quen với USD hoặc franc Thụy Sĩ", Christian Gattiker - Giám đốc Nghiên cứu tại Julius Baer cho biết.
Singapore vẫn duy trì được vị thế "trung tâm toàn cầu và khu vực" nhờ các yếu tố tích cực như chính trị ổn định, chăm sóc sức khỏe tốt, tỷ lệ phạm tội thấp và giao thông công cộng xuất sắc, Julius Baer cho biết. Chính phủ Singapore cũng nỗ lực thu hút các doanh nghiệp và người giàu toàn cầu.
Singapore hiện cũng là nơi đắt đỏ nhất thế giới để sở hữu một chiếc xe hơi, do các quy định yêu cầu chủ xe phải mua "quyền sở hữu phương tiện".
So với các thành phố châu Á khác, Singapore nới lỏng phong tỏa sớm hơn. Vì thế, nơi này thu hút nhiều người di cư giàu có hơn. Việc này khiến giá nhà tại đây tăng vọt, bất chấp các nỗ lực kìm hãm của chính phủ. Phí thành viên tại các sân golf ở Sigapore cũng tăng vọt trong giai đoạn 2019-2022, có nơi thậm chí tăng gấp đôi.
Báo cáo của Julius Baer được thực hiện trong giai đoạn tháng 2-3/2024, xếp hạng 25 thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo giá nhà, xe hơi, tiền vé máy bay hạng thương gia, học phí, tiền ăn hàng và các sản phẩm - dịch vụ xa xỉ khác. Họ chỉ khảo sát với các cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên.
Hà Thu (theo Fortune, SCMP)