Nguyễn Dương Huy Vũ, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Fibo được bạn bè gán cho biệt danh là người thích mơ mộng, đã tạo ngạc nhiên khi đưa ra thị trường dịch vụ sim điện tử (electric sim - eSim) hồi tháng 5 vừa qua.
Dự án này có kinh phí đầu tư gần chục tỷ đồng, được Vũ nghiên cứu hơn 5 năm qua, bất kể sự suy giảm của tin nhắn trước sự phổ biến của các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) ở Việt Nam như Viber, Zalo, Facebook Messenger... Gần đây, Google cũng bắt đầu thử nghiệm dịch vụ OTT tên Chat cho các smartphone Android.
“Cả ứng dụng OTT và tin nhắn đều có những giới hạn riêng”, Vũ nhận định. Theo đó, mảng chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp vẫn phải thông qua tin nhắn. Tuy nhiên, việc sử dụng sim vật lý có nhiều hạn chế trong việc quản lý, đơn cử như một số điện thoại chỉ được quản lý bởi một người và trong một thời điểm chỉ có một người nhận được điện thoại. Bên cạnh đó, các tin nhắn gửi đến khách hàng là tin nhắn một chiều, tức khách hàng không thể phản hồi lại.
Ngoài ra, dù các ứng OTT miễn phí nhưng khi doanh nghiệp cần gửi tin nhắn với số lượng lớn, đến nhiều ứng dụng OTT khác nhau cùng lúc thì các ứng dụng này không đáp ứng được.
Và với Huy Vũ, đây chính là cơ hội cho dịch vụ eSim của Fibo, công nghệ này hoạt động không dựa trên SIM vật lý mà mỗi số điện thoại là một tài khoản ảo, được vận hành và bảo mật bởi hệ thống của Fibo. Các tài khoản ảo này được định danh bằng số điện thoại thực của nhà mạng như Viettel, VinaPhone hay MobiFone. Có thể hiểu đơn giản eSim là cầu nối vận chuyển thông tin giữa tin nhắn điện thoại đến các ứng dụng OTT với số lượng lớn và ngược lại.
Hiện tại, dịch vụ eSim Fibo đưa ra thị trường là bản 2.5 cho phép gửi 200.000 SMS một giờ và không bị chặn; thời gian nhận SMS trung bình 1.200 SMS mỗi giờ, đáp ứng cùng lúc 500 cuộc gọi cùng thời điểm.
“Chúng tôi hiện đang phục vụ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực quản lý căn hộ, bất động sản”, Vũ nói.
Trên thực tế, thị trường SMS A2P cho doanh nghiệp như dịch vụ quản lý quan hệ khách hàng, chiến dịch quảng cáo, dịch vụ tương tác trên toàn cầu đang tăng trưởng khá tốt. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Zion, giá trị thị trường SMS A2P toàn cầu đạt 55 tỷ USD trong năm 2014 và dự kiến đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.
Nguyễn Dương Huy Vũ tốt nghiệp ngành kĩ sư công nghệ thông tin, là một trong ba người sáng lập Công ty PA Việt Nam - đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, tên miền khá có tiếng ở khu vực TP HCM. Năm 2004, Duy Vũ rời công ty vì bất đồng quan điểm, rồi một phần số tiền có được từ bán cổ phần cũng bị mất vì đầu tư sai lầm.
Hai năm tiếp theo, như Vũ nói là khoảng thời gian khó khăn nhất khi lâm vào tình trạng không tiền, không sự nghiệp, mất niềm tin vào bản thân và phải sống nhờ gia đình ở Đà Nẵng.
Từ đây, quan điểm kinh doanh của cựu kỹ sư ngành công nghệ thông tin bắt đầu thay đổi. Khi thành lập bất cứ dự án nào Vũ cũng phải tự trả lời được ba câu hỏi: Thế mạnh của mình trên thị trường là gì? Có bao nhiêu đối thủ tham gia, và chừng đó đối thủ thì lợi nhuận đem lại có đáng để đầu tư hay không?
Nhưng kinh doanh không dễ dàng. Với Fibo, Vũ tiếp tục đã trải qua ba lần tái cơ cấu. Năm 2007, Fibo được thành lập với ba mảng kinh doanh chính là cho thuê máy chủ, tên miền và thiết kế website; tiếp thị qua SMS và tiếp thị qua email. Trong đợt cơ cấu lần thứ nhất vào tháng 7/2015, Fibo đã bán mảng cho thuê máy chủ, tên miền và website lại cho công ty Mắt Bão. Hai năm sau, Fibo rút chân khỏi lĩnh vực tiếp thị qua email.
Căn phòng hơn 100m2, cùng đội ngũ khoảng 20 người, giảm gần một nửa so với cách đây một năm, ở quận Tân Phú (TP HCM) hiện là đại bản doanh của Fibo.
Huy Vũ cho biết đang dồn lực vào mảng tiếp thị SMS. Lãi gộp mô hình này khoảng 20%, và lợi nhuận sẽ tỷ lệ thuận với quy mô khách hàng. Ở Việt Nam, có khoảng 20 công ty cùng lĩnh vực như Fibo nhưng Vũ khẳng định "eSim là dịch vụ duy nhất" trên thị trường hiện nay.
Trong khi đó, khả năng các doanh nghiệp viễn thông: Viettel, VNPT hay các doanh nghiệp OTT như Zalo, Faebook tham gia thị trường của Fibo vẫn có nhưng rất thấp. Bởi theo Vũ, các công ty trên được thiết kế để phục vụ người tiêu dùng, trong khi dịch vụ Fibo đang cung cấp là dành cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, tất cả doanh nghiệp đều có những mặt trận riêng và những toan tính lẫn rủi ro riêng nên nguồn lực luôn ưu tiên dành cho các mảng mà họ có lợi thế.
“Ba lần tái cơ cấu cho tôi bài học đắt giá về sự mất tập trung. Do đó, điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng với thế mạnh của mình”, Vũ nói.
Anh Thư