Trần Thiện Đạo -
Ông cho rằng các căn bệnh tâm thần đều do những ước muốn, thèm khát bị dồn nén bởi đạo đức, tập tục xã hội, giáo huấn gia đình. Bị dồn nén, nhưng không biến mất và vẫn tồn tại trong tiềm thức. Vì vậy mà nó thường thể hiện qua chiêm bao, mộng mị, hoặc qua những triệu chứng loại trầm cảm, trăn trở, ám ảnh, khắc khoải... Có hai khái niệm giải thích xung đột tâm thần đó, là: khoái cảm tính dục thời thơ ấu và mặc cảm Œdipe (con trai thì gần mẹ, con gái thì gần cha).
Từ bấy đến nay, học thuyết của ông không ngừng là "con đường rộng lớn dẫn vào cõi vô thức ẩn náu trong mọi người chúng ta". Nhờ đó mà tâm thần không còn là một lãnh vực hoang dã bất khả xâm phạm. Ở châu Âu và châu Mỹ (còn ở châu Úc, châu Á, chúng tôi không rõ) [1], nó đã được các nhà phân tâm học nổi tiếng như Alfred Adler (1870-1937), Carl Gustav Jung (1875-1961) hay Wilhelm Reich (1897-1957) và nhiều nữa... thể nghiệm và thực nghiệm theo phương pháp "giải mã chiêm bao" do S. Freud đề xướng, chế ngự toàn bộ ngành nghiên cứu và chạy chữa tâm thần. Riêng ở Pháp, phải kể một số nhà phân tâm học tên tuổi đã triển khai, cập nhật học thuyết và phương pháp vừa nhắc tới đó một cách có hệ thống, như Jacques Lacan (1901-1981), hay Françoise Dolto (1908-1988)... chẳng hạn.
Phân tâm học
Chiêm bao là gì và tại sao phải giải mã?
Chiêm bao là hình ảnh xuất hiện lúc chúng ta đang ngủ, thấy trong mơ, trong mộng. Là một mớ sự cố ít khi có đầu có đuôi, diễn ra một cách rời rạc, lộn xộn, khúc mắc khó bề chắp nối được trọn vẹn rõ ràng bằng suy diễn thông thường. Dưới mắt S. Freud, các hình ảnh thiếu liên tục đó chỉ là những nhân tố riêng rẽ của một thực tế nội tâm mạch lạc, chặt chẽ, cho dầu đã biến dạng ít nhiều, nhưng vẫn có thể chắp nối lại được.
Bởi vậy muốn hiểu rõ ý nghĩa ẩn núp đằng sau các biểu tượng hiện hình trong chiêm bao, chúng ta cần phải (biết) giải mã. Bằng cách dựa trên vài ba nguyên lý chủ chốt do chính S. Freud vạch định: 1/ chiêm bao bao giờ cũng thể hiện những ước muốn, thèm khát bị dồn nén từ thời thơ ấu, 2/ nó được hình thành bằng những vật liệu rút từ các Tagesphantasie (mộng tưởng) chưa quên trong cuộc sống hằng ngày, 3/ nó chuyển biến các vật liệu ấy qua một quá trình đặc biệt cho phép tiềm thức vượt khỏi mọi cấm cản, kiêng kị, tập quán gia đình, xã hội... Kẻ nằm mộng khi đã tỉnh táo cần được các nhà phân tâm học trợ giúp lần lượt lẩn vào mọi ngõ ngách sâu lắng, kết hợp mọi ý tưởng thầm lặng chìm nghỉm trong vô thức hòng với tới tận nguồn gốc của nó.
Nói cách khác, trên cơ sở đó, từ hơn một trăm năm nay, phân tâm học mở rộng cánh cửa che khuất vùng bí ẩn sâu kín, phơi bày mọi thèm khát chôn vùi và ước muốn ủ kín của con người. Vô hình trung vạch cho chúng ta nhìn thấy rõ chân tướng của mình. Nó đăm đăm ngó thẳng vào những chỗ mờ ám tối tăm: cô gái mỹ miều kia nuôi nhiều ý nghĩ không trong trắng chút nào, cậu con trai nọ thầm muốn giết cha để ngủ với mẹ mình... Tình dục, dưới con mắt soi mói của phân tâm học, xâm chiếm mọi hoạt cảnh không chỉ trong phòng the bờ sậy mà ngay trong ý nghĩ, trong cử chỉ, trong suy luận. Khiến cho con người suốt cuộc sống hằng ngày không ngừng bị nó vây bủa, không ngừng bị tiềm thức chi phối, cai quản.
Nếu như với nhà thiên văn Mikolaj Kopernik (1473-1543), trái đất không còn xuất hiện như trung tâm của vũ trụ nữa, hay với nhà bác học Charles Darwin (1809-1892), nhân loại chỉ còn là một bộ phận nhỏ trong guồng máy sinh vật mà thôi, thì với Sigmund Freud, con người hết còn tự lập tự chủ trong hành động, luôn luôn bị chi phối, cai quản bởi tiềm thức, hay vô thức của mình.
Thao túng
Phát hiện của S. Freud về tâm thần, đặt vô thức vào giữa trái tim và tác phong của con người, là một khám phá có tầm mức, trọng đại trong khoa tâm lý. Ngày nay chẳng ai còn có thể làm ngơ khám phá này khi đụng tới tâm thần con người.
Cho nên các đồ đệ của ông, trong thời gian hơn một thế kỷ nay, đã lần hồi chui lọt vào mọi lĩnh vực, lấn ép, thao túng toàn thể xã hội Pháp. Phân tâm học đã tràn ngập, xâm chiếm trọn cả đời sống hằng ngày, trong nhà, ở học đường, trong công sở, xí nghiệp, trên màn ảnh truyền hình, làn sóng truyền thanh, trên sân khấu và cả trên trang sách, trang báo - nếu không trực tiếp thì cũng ngấm ngầm. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng các nhà phân tâm học, tựa hồ như họ lúc nào cũng chực sẵn, chụp lấy mau lẹ cơ hội thuận lợi đầy rẫy trên trường đời. Để vồ mồi, trong cuộc sống hằng ngày đâu thiếu những xích mích cá nhân giữa vợ chồng con cái, đụng chạm giữa đồng nghiệp, bạn bè, cũng không thiếu những cơn khắc khoải, trầm cảm và biết bao sự thể lớn nhỏ khác dính tới thâm tâm, tới tâm thần, tới thần kinh của con người.
Điều đó khiến cho giới phân tâm học đã nghiễm nhiên trở thành trụ cột không tránh khỏi trong xã hội Pháp. Nói nào ngay, thì chẳng phải là họ không có lý do chính đáng để tự hào, để kiêu hãnh như vậy. Quả thật họ đã nắm bắt (và nắm chắc?) được những gì trước kia còn nằm trong bóng tối, bí ẩn và mờ ám. Nhưng là trụ cột ở một xã hội đang lao mình vào thời hiện đại mà đánh mất biết bao dấu mốc và đất lề quê thói quen thuộc, một xã hội không còn biết đâu mà lần để có thể tạo dựng một trật tự mới phù hợp với nguyện vọng đích thật của mình. Chẳng những thế, mà giới phân tâm học mấy năm gần đây còn tỏ ra quá ư tự mãn, coi mình là đỉnh cao chót vót của trí tuệ. Họ vô hình trung xóa nhòa ranh giới chia cách niềm kiêu hãnh chính đáng với tính khí kiêu ngạo, tự cho mình hơn người, không coi ai khác là gì.
Một thí dụ điển hình cho tính khí kiêu ngạo gần đây nhất của họ: Năm ngoái, các nhà phân tâm học đã không ngại gây áp lực với Bộ Y tế bắt phải kiểm duyệt bản thuyết trình do viện Inserm (Viện nghiên cứu y tế quốc gia) soạn thảo, bất lợi cho họ. Báo cáo này khẳng định rằng phương pháp TCC (thérapies cognitives-comportementales, hay phương pháp trị bệnh tâm thần qua nhận thức và thái độ), hay nói một cách giản lược, nôm na và dễ hiểu, phương pháp chẩn đoán chữa bịnh tâm thần bằng thuốc thang hữu hiệu hơn phương pháp phân tâm kiểu giải mã chiêm bao qua những lời bệnh nhân kể lể dài thòng trên bộ ván. Bộ trưởng Y tế bấy giờ là Philippe Douste-Blazy (nay giữ chức Ngoại trưởng) chùn bước trước sức ép không cự nổi của họ, đã ra lệnh rút bản báo cáo ra khỏi hồ sơ.
Viện Inserm lập tức lên lời phản đối hành vi nói trên: "Không thể chấp nhận được. Đây là lần đầu tiên bộ trưởng một nước dân chủ kiểm duyệt một công trình khoa học".
Phản ứng
Nội việc - báo cáo bất lợi cho giới phân tâm học, áp lực giới này gây nên, tác phong rút lui của ông bộ trưởng y tế - dĩ nhiên được các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và chuyên ngành cũng như công luận chú ý, theo dõi. Đặc biệt trong trường hợp gây nhiều tranh cãi (chúng tôi tránh dùng từ tranh luận ở đây), thì ngoài các thành phần vừa kể trực tiếp dính dáng tới nó, còn có các nhà xuất bản vốn rất ư thính mũi, không chỉ về mặt thương mại mà còn cả về mặt văn hóa và trí thức nói chung.
Hè 2004, bà Cathérine Meyer, tiến sĩ khoa tâm lý, nguyên biên tập viên một nhà xuất bản lớn, bàn với ông Laurent Beccaria, giám đốc NXB Les Arènes (Đấu trường - một cái tên nói rõ phương hướng của NXB) do ông thành lập, về nội vụ nói trên. Họ hội ý với nhau, rồi nghĩ cách phản ứng, bà kể:
"Chúng tôi cho rằng phân tâm học không chỉ gồm có mỗi một S. Freud. Còn có cả hệ thống bá quyền mà đồ đệ của ông không ngừng cầm trịch xã hội từ hơn một thế kỷ nay. Ở Pháp, nó đã trở thành một thứ đặc sản, để khỏi bảo là đặc quyền đặc lợi, [2] không ai có quyền đụng tới - đụng tới là bị quy tội phạm thượng. Dự án của chúng tôi chín muồi lần lần. Cần phải xét lại học thuyết phân tâm từ đầu cho tới cuối. Tôi liền tìm đọc mọi chuyên đề phân tâm học và, đặc biệt qua các tác phẩm của nhà sử học phân tâm Mikhel Borch Jacobsen, tôi hết sức lấy làm ngạc nhiên được biết rằng S. Freud thường hay tán phét và lừa lọc một cách trắng trợn". [3]
Thế rồi nảy ra dự định cho ra mắt một tập sách quy tụ nhiều tác giả không thần phục ông tổ phân tâm học và đồ đệ của ông, do bà Cathérine Meyer đứng chủ biên. Trung tuần tháng 9 vừa qua, tập sách được phát hành dưới tựa đề le Livre noir de la psychanalyse - Vivre et aller mieux sans Freud (Sổ đen về nạn phân tâm - Sống khỏe và bình thản không cần có Freud, NXB Les Arènes). Một cỗ pháo quả thật nặng ký, 881 trang, gồm 80 tham luận của các nhà khảo cứu hoặc giáo sư tâm lý, chuyên đề, với rất nhiều chú thích và trích dẫn, giá cao (29,80 euro). Nghĩa là không nhắm tới thành phần độc giả đại chúng.
Có độc giả
Vậy mà không ngờ sách bán rất chạy - đối với thể loại của nó. Chưa đầy hai tháng từ ngày phát hành, thống kê cho biết là ấn bản đầu tiên 10.000 cuốn bán sạch ngay liền, rồi 10.000 nối bản cũng hết veo, và NXB đã cho in thêm 10.000 cuốn nữa...
Một phần là nhờ được các tạp chí, tuần san hay nguyệt san, đều nhắc tới tập sách và nhất là đề luận của nó qua nhiều bài khảo cứu, tranh cãi, chứ không chỉ điểm sách. Phần khác, các bài tham luận in trong tập sách đều nói lên những điều nhiều người thầm nghĩ, nhưng chưa ai dám phát biểu rành mạch. Như ông Jean Cottraux, bác sĩ tâm thần, chẳng hạn: "Chúng tôi muốn thoát ra khỏi vòng đai trong đó phân tâm học nhốt chặt mình. Để xét xem học thuyết này có giá trị tới mức nào, phương pháp phân tâm có hiệu nghiệm hay không. Đó mới chính là câu hỏi chủ chốt, bởi vì cho tới nay phân tâm học không hề được chứng minh một cách khoa học. Freud và các đồ đệ của ông lấy làm hãnh diện dựa trên ca này ca nọ để dựng nên học thuyết của mình, tự cho rằng đó là chân lý tuyệt đối. Rồi họ ngang nhiên trình diện nó như một chân trời không ai qua khỏi được nữa".
Cuộc động viên trình bày trên đây do các tác giả tập sách Sổ đen về nạn phân tâm...khởi xướng, khiêu chiến giới phân tâm học rồi sẽ kết cục ra sao? Chúng ta hãy chờ hồi sau phân giải.
Paris 10/11/2005
-----
Chú thích:
[1] Ở Việt Nam, Tô Kiều Phương đã giới thiệu Học thuyết Freud qua khảo luận cùng tên (Nxb Tân Việt, 1943). Hiện nay, hình như Đỗ Lai Thúy, tác giả tập khảo luận Hoài niệm phồn thực (Nxb Văn hóa Thông tin, 1999), đang nghiên cứu học thuyết này.
[2] Tin giờ chót cho biết ông Jacques-Alain Miller, nhà phân tâm học danh tiếng, con rể kế thừa (tài sản và tinh thần) của Jacques Lacan, đang bị Sở thuế Pháp kiểm tra ráo riết về tội khai man thu nhập.
[3] Nguyên văn : j’ai découvert les incroyables mensonges et escroqueries de Freud. Khoảng năm 1997-1998, các nhà tâm lý học thuộc đại học Heidelberg và Hannover ở Đức, qua một cuộc khảo xét dựa trên 130 trẻ em từ 3 tới 9 tuổi, đã chứng nghiệm rằng cái mà S. Freud gọi là mặc cảm Œdipe thật ra không có, do ông bịa đặt mà thôi.