Mở đầu buổi Leader Talks chủ đề "Siêu tự động hóa trong doanh nghiệp số", chiều 26/4, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á akaBot (FPT Software) khẳng định công nghệ chính là chìa khóa để các doanh nghiệp ở mọi lĩnh thích ứng với những diễn biến bất thường như dịch bệnh, khí hậu, môi trường... Lãnh đạo của akaBot tin rằng trong năm 2022, các doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển mô hình kinh doanh dựa vào ba yếu tố chính: tăng trưởng, hiệu suất và số hóa.
Độc giả có nhu cầu tư vấn về giải pháp tự động hóa quy trình doanh nghiệp RPA toàn diện từ akaBot đăng ký tại đây |
Tuy hiểu được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, song bà Nguyên Thành cho rằng các doanh nghiệp Việt vẫn có mức độ trưởng thành số chưa cao. Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu tập trung tự động hóa các quy trình, tác vụ nhỏ lẻ, riêng rẽ, tức tập trung vào hoạt động vận hành. Các đơn vị đa phần chưa có kế hoạch tổng thể, xây dựng chiến lược số chưa hiệu quả.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối công nghệ thông tin Nam A Bank cũng cho rằng, để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công hơn, các đơn vị cần xây dựng được kế hoạch và lộ trình chi tiết dựa trên tầm nhìn dài hạn.
Lấy ví dụ thực tế, ông Tuyên cho biết tại Nam A Bank, đơn vị đã xây dựng được lộ trình chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với những đầu mục được liệt kê chi tiết. Lộ trình này trung vào 6 nội dung quan trọng gồm: tăng số lượng nghiệp vụ được số hóa; tăng người dùng chuyển sang sử dụng kênh số; tăng lượng giao dịch thông qua kênh số; xác định doanh thu mục tiêu trên nền tảng số; đẩy mạnh chuyển đổi số quy trình cho vay; lưu trữ hồ sơ, dữ liệu trên nền tảng số.
Theo các chuyên gia, để tối ưu vận hành doanh nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ, bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ cần thực hiện hai quá trình song song: "đối nội số" và "đối ngoại số". Ở quá trình "đối nội số", các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với khái niệm "siêu tự động hóa - Hyperautomation". Đây là khái niệm đã được Gartner định nghĩa là một giải pháp mà các doanh nghiệp sử dụng để nhanh chóng nhận diện, đánh giá và tự động hóa các quy trình nhiều nhất có thể. Hyperautomation sử dụng kết hợp nhiều công nghệ, công cụ và nền tảng, bao gồm AI, Machine Learning, RPA, BPM, iBPMS, Process, Task mining...
Theo bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, siêu tự động hóa chính là đích đến của các doanh nghiệp. Siêu tự động hóa giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề hiệu suất, chất lượng nhân viên cũng như năng lực thích ứng công nghệ thông minh. Tuy nhiên, phải từ sau năm 2030, Hyperautomation mới thật sự trở nên phát triển và phổ biến. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt mới chỉ dừng lại ở mức phổ biến RPA (quy trình tự động hóa bằng robot) và bắt đầu chuyển dịch sang tự động hóa end-to-end với bộ công cụ số Hyperautomation.
"Việc đưa RPA vào tự động hóa vận hành đã trở nên phổ biến trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên đa phần việc tự động hóa quy trình vẫn đang dừng ở cấp độ cơ bản và bắt đầu có dấu hiệu tối ưu thông qua việc thành lập CoE (các trung tâm cải tiến tập hợp những kinh nghiệm về tự động hóa). Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của tự động hóa toàn trình. Đó chính là tiền đề để hướng tới Hyperautomation", lãnh đạo akaBot đánh giá.
Trong quá trình hướng đến siêu tự động hóa, việc áp dụng công nghệ quá nhiều cũng dẫn đến những nỗi lo về máy thay thế người và câu chuyện về công việc của người lao động. Theo ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, để giúp người lao động giảm nỗi lo mất "công ăn việc làm", doanh nghiệp trước tiên nên có những giai đoạn thử nghiệm công nghệ. Các đơn vị cũng cần tổ chức những buổi chia sẻ, hướng dẫn về cách vận hành, sử dụng và giá trị mang lại của công nghệ với đội ngũ nhân sự.
Lãnh đạo của Nam A Bank cho rằng con người vẫn sẽ là trọng tâm trong mọi sự phát triển. Việc áp dụng giải pháp máy móc, công nghệ sẽ góp phần giải phóng người lao động khỏi những quy trình lặp đi lặp lại. "Khi được giải phóng khỏi những công việc nhàm chán, con người sẽ có thể tập trung cho những thứ lớn hơn, góp phần kích thích năng lực sáng tạo và tư duy đổi mới. Đó là lợi ích mà tự động hóa mang lại cho người lao động, chứ không có chuyện máy thay thế người", ông Tuyên khẳng định.
Bên cạnh "đối nội số", "đối ngoại số" cũng là điều doanh nghiệp Việt rất quan tâm trong quá trình số hóa. Đối ngoại số thể hiện ở cách doanh nghiệp thuyết phục, duy trì mối quan hệ với khách hàng, thị trường, cổ đông dựa trên nền tảng công nghệ.
Với quá trình "đối ngoại số", ngân hàng được xem là một trong những đơn vị tiên phong. Các ngân hàng tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin của khách hàng cho các sản phẩm số từ nhiều năm trước. Tuy vậy, theo các chuyên gia việc chuyển đổi hoàn toàn lên ngân hàng số vẫn sẽ là câu chuyện của tương lai xa.
Dẫn chứng thực tế tại Nam A Bank, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên cho biết dù đơn vị đã phát triển các sản phẩm số từ rất lâu dựa trên chính nhu cầu của khách hàng, tuy vậy còn một số bộ phận khách hàng chưa sẵn sàng tiếp nhận những công nghệ mới và vẫn lựa chọn phương thức giao dịch truyền thống. Nhóm khách hàng này chủ yếu là người ở độ tuổi trên 50. Do đó, ngân hàng vẫn duy trì hoạt động giao dịch truyền thống. Đại diện Nam A Bank vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai của ngân hàng số nhất là khi thế hệ Gen Z, đối tượng có khả năng làm chủ công nghệ, sẽ trở thành nhóm khách hàng chính trong vài năm tới.
Bên cạnh khách hàng, cổ đông cũng là nhóm được doanh nghiệp chú trọng nhằm đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả trong quá trình "đối ngoại số". Nhờ chuyển đổi số, trong tương lai sẽ có nhiều đại hội cổ đông được tổ chức theo hình thức trực tuyến như cách mà FPT đã làm trong thời gian gần đây.
Theo đó, FPT đã sử dụng giải pháp UBot Meeting của akaBot. Bà Nguyên Thành cho biết, giải pháp này cho phép tự động hóa đại hội cổ đông đến 90% thông qua việc tự động gửi thư mời và nhắc lịch; tự động định danh cổ đông bằng FPT.AI eKYC trả kết quả chỉ sau một giây; biểu quyết 100% trực tuyến; tự động kiểm phiếu và cập nhật kết quả thời gian thực, trả kết quả chỉ sau một giây.
Cuối cùng, các diễn giả tham gia tọa đàm tin rằng điều doanh nghiệp quan tâm không dừng lại ở RPA hay Hyperautomation, mà là tập trung vào giá trị, giải pháp để tối ưu vận hành, ứng dụng công nghệ hiệu quả.
"Chúng tôi cho rằng chiến lược đúng đắn cho doanh nghiệp hiện nay là đi từng bước nhỏ và nhanh, đạt được hiệu quả sớm. Đó sẽ là tiền đề để doanh nghiệp đi những bước tiếp theo một cách tự tin, mở rộng quy mô và tiến tới giai đoạn Mass Automation (tự động hóa hàng loạt với quy mô toàn doanh nghiệp)", lãnh đạo akaBot chia sẻ.
Hoài Phương