Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ ba, 20/8/2024, 10:32 (GMT+7)

Siêu trăng rực sáng bầu trời sau đêm Rằm tháng 7

Tối 19/8, người dân nhiều tỉnh thành có cơ hội chiêm ngưỡng "siêu trăng" đầu tiên của năm khi Mặt Trăng lớn và sáng hơn bình thường.

Tại TP HCM, bầu trời quang đãng, người dân có thể quan sát siêu trăng từ các tòa nhà, chung cư. Trong ảnh là siêu trăng xuất hiện từ 18h15 nhìn từ một chung ở phường Phú Mỹ, quận 7. Ảnh: Hữu Công

Siêu trăng lúc chạng vạng nhìn từ quận 7, TP HCM có màu giống mặt trời lúc bình minh vừa ló dạng.

Siêu trăng đầu tiên trong năm không chỉ được nhìn thấy ở Việt Nam mà xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, đêm 19/8 là thời điểm lý tưởng nhất để theo dõi siêu trăng ở Việt Nam. Đây là lúc Mặt Trăng đạt pha tròn, trùng với thời điểm nó tới điểm gần Trái Đất nhất. Ảnh: Hữu Công

Tại Hà Nội, lúc 20h26, mây mù tan dần, để lộ ra siêu trăng sau tổ hợp nhà cao tầng HH của bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Ảnh: Ngọc Thành.

Tại Đà Nẵng, trời có nhiều mây, nhưng mọi người vẫn quan sát được trăng. Đây là hình ảnh siêu trăng phía sau thánh giá ở Giáo xứ Ngọc Quang, dưới chân cầu Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, tối 19/8. Ảnh: Nguyễn Đông

Siêu trăng nhìn từ đường Lê Đức Thọ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Tại Quảng Ngãi, sau trận mưa chiều, khoảng 18h, trời quang mây tạnh, người dân nhìn thấy trăng sáng hơn hôm Rằm tháng 7. Trong ảnh là người đàn ông ngắm trăng khi đi bộ trên cầu dây văng Cổ Lũy, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh

Trăng nhìn từ chùa Minh Đức trên núi Thiên Mã, bờ bắc cuối sông Trà Khúc, Quảng Ngãi lúc 21h. Ảnh: Phạm Linh

Trăng sáng tỏ trên mặt hồ Văn Thánh, TP Phan Thiết (Bình Thuận) lúc 20h10. Ảnh: Việt Quốc

Tại TP Dĩ An, Bình Dương, trời quang đãng, người dân có thể thấy những chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) có quỹ đạo giống như vừa bay ngang qua mặt trăng.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, trong đêm siêu trăng, chúng ta thấy trăng tròn lớn hơn so với trăng tròn thông thường khoảng 14% và có thể sáng hơn 30%.

Tuy nhiên, độ sáng của trăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thời tiết và khí quyển. Do đó, chỉ những nơi ít ô nhiễm và trời quang mây, người quan sát mới thấy rõ sự khác biệt. Ảnh: Phước Tuấn

Siêu trăng tại TP Vũng Tàu lúc 20h20.

Trăng tròn lần này còn được gọi là "Trăng xanh" bởi đây là lần trăng tròn thứ 3 trong số 4 lần trăng tròn của mùa hè. Tuy nhiên, đây chỉ là cách gọi tên của một số nền văn hóa phương Tây. Mặt Trăng không hề có sự khác biệt nào về màu sắc (không chuyển thành màu xanh) so với những ngày khác. Ảnh: Trường Hà

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên Văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, nếu bỏ lỡ dịp này người yêu thiên văn vẫn có cơ hội ngắm các siêu trăng khác vào tháng 9, 10 và 11 sắp tới. Trăng tròn tháng 10 tới sẽ ở gần Trái Đất nhất và sẽ là siêu trăng lớn nhất.

Trong ảnh là siêu trăng quan sát qua màn hình và ống kính máy ảnh chuyên dụng ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Nhóm phóng viên