Sau khi TP HCM chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15,16 về việc giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5, người dân hôm 30/5 đã ùn ùn tới các hệ thống siêu thị mua sắm. Nhiều kệ hàng hóa tại các siêu thị liên tục trống. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, các siêu thị ở TP HCM cho biết đã liên tục đẩy hàng hóa lên kệ, tăng cường nhân viên gấp đôi để đảm bảo sản phẩm luôn dồi dào, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành Vinmart miền Nam cho hay, siêu thị luôn có những kịch bản kinh doanh để ứng phó với mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh. Ngay sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên năm 2020, đơn vị này đã chủ động tăng cường kết nối với nhà cung cấp để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục, sản lượng dự phòng đủ cho 3-6 tháng.
Về phân phối, hệ thống làm việc chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh thành phố để đảm bảo các xe trung chuyển hàng hóa được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác thông suốt. Mục tiêu không để xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng cục bộ. Riêng với quận Gò Vấp, hàng hóa vẫn khá dồi dào dù lượng khách mua tăng cao.
Đại diện Central Retail, Lottemart, Co.opmart cũng khẳng định, với tinh thần cung ứng nhu yếu phẩm mùa dịch, các hệ thống có thể điều chuyển hàng hóa liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn cao điểm. Hàng hóa luôn tăng gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần so với ngày thường. Lượng hàng dự trữ cũng đủ cho 4 tháng tới.
Cùng với hệ thống siêu thị, lãnh đạo các chợ đầu mối ở TP HCM cho biết, vẫn luân chuyển hàng hóa về bình thường, hàng hóa đầy ắp, thậm chí còn tăng hơn so với ngày thường nên người dân vẫn có thể mua sắm đầy đủ. Hiện ba chợ đầu mối TP HCM mỗi đêm nhập gần 8.000 tấn rau củ quả, 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm, gạo và tất cả nhu yếu phẩm.
Sở Công Thương TP HCM mới đây cũng đề nghị người dân không quá lo lắng và hạn chế đổ xô đi mua sắm. Hiện các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, chợ, điểm bán hàng thiết yếu... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian giãn cách.
Để tránh rủi ro, Sở cũng đã chuẩn bị 3 kịch bản dự phòng để đảm bảo sao cho người dân có đủ nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống. Song song đó, đưa ra các giải pháp thiết thực để đảm bảo phân phối hàng hóa ổn định trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp nhất. TP HCM đã chuẩn bị và kích hoạt chương trình bình ổn thị trường từ tháng 4, chuỗi cung ứng cũng liên kết tốt với 22 tỉnh, thành phố.
Chiều nay, Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh thành phố chủ động xây dựng các phương án ứng phó để cung ứng hàng hóa cho thị trường, đảm bảo an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến dịch bệnh Covid-19, các biện pháp tiêu thụ nông sản và hỗ trợ thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại các vùng có dịch bệnh.
Hồng Châu