Tôi kết hôn với một người Mỹ và theo chồng sang Mỹ định cư. Lần đầu đi siêu thị ở Mỹ (một siêu thị nhỏ của một địa phương tại bang Florida), theo thói quen, tôi vẫn thường xem giá cả trước khi quyết định có mua hay không vì không giống ở Việt Nam, hàng tuần các siêu thị ở Mỹ đều có chương trình giảm giá, khuyến mãi.. Nên nếu tuần này khuyến mãi mà bạn không mua thì tuần sau giá cả đã lập tức tăng trở lại.
Lần đó sau khi xem giá đang khuyến mãi, tôi quyết định mua một hộp sốt mayonnaise. Đến khi tính tiền tôi phát hiện khi nhân viên siêu thị scan giá thì máy lại tính tiền theo nguyên giá (giá chưa khuyến mãi). Lúc đó tôi hỏi nhân viên tại sao giá lại khác nhau.
Cô nhân viên đi xem lại giá niêm yết trên kệ và sau đó quay lại nói với tôi rằng: "Xin lỗi chị, có lẽ bộ phận máy tính đã nhập thông tin sai nên siêu thị chúng tôi xin tặng chị món hàng này". Thật lòng mà nói, tôi rất bất ngờ nhưng cũng rất hài lòng vì thái độ thân thiện và nhiệt tình của cô nhân viên đó. Và dĩ nhiên, gia đình chúng tôi sau đó trở thành khách quen của siêu thị này.
(Xem thêm: Siêu thị tính sai tiền nhưng không chịu bồi thường )
Gần như tất cả các siêu thị ở Mỹ nhất là các siêu thị lớn thuộc một tập đoàn như Walmart, Target, Macys, Home Depot, Lowes ... đều có một hệ thống phục vụ khách hàng rất tận tâm và chặt chẽ. Có siêu thị như Wallmart, sau khi mua hàng trong vòng 90 ngày bạn có thể trả hoặc đổi lại món hàng bạn đã mua và nhận lại 100% số tiền bạn đã thanh toán. Hoặc bạn nhận bằng thẻ mua sắm của siêu thị tùy theo cách bạn chọn để nhận lại, thậm chí cả khi bạn không có hóa đơn mua hàng. Ví dụ như món hàng bạn được tặng mà bạn không thích, bạn vẫn có thể mang ra siêu thị để nhận lại số tiền theo trị giá của món hàng.
Có lần tôi mua 1 cái máy hút bụi ở Walmart. Sau gần 3 tháng, máy hút bụi của tôi bị hỏng. Tôi mang ra Walmart Customer Service (bộ phận phục vụ khách hàng của Walmart) để hỏi thăm làm sao liên lạc với công ty sản xuất để sửa chữa. Bộ phận khách hàng cho biết vẫn trong thời hạn 90 ngày từ khi mua, nên nếu tôi muốn họ sẽ hoàn lại tiền để tôi mua một cái khác.
Còn Home Depot nổi tiếng nhất về công tác phục vụ khách hàng. Hàng mua ở Home Depot bạn không cần hóa đơn vẫn có thể trả lại. Home Depot nổi tiếng về sản xuất các dụng cụ máy móc như cưa máy, máy khoan. Tất cả các hàng hóa Home Depot sản xuất và bán cho bạn đều có bảo hành Lifetime (cả đời).
Nghĩa là bạn mua xong sản phẩm đó dù 10 năm, 20 năm hay 50 năm, khi xài hư hỏng, te tua... chỉ cần bạn có thể mang sản phẩm đó đến họ sẽ bảp hành sửa chữa, thậm chí thay mới hoàn toàn cho bạn.
Về việc mua hàng hóa đồ dùng trong nhà, các siêu thị ở Mỹ đều có quy định khác nhau nhưng tất cả đều chung một mục tiêu là thu hút các khác hàng đến mua sắm càng nhiều càng tốt. Cho nên, hàng tuần các siêu thị đều tung ra các chiêu khuyến mãi, giảm giá khác nhau.
Bên cạnh đó các công ty sản xuất cũng vậy. Họ tung ra các thẻ khuyến mãi hàng tuần, hàng tháng. Cho nên, nếu các bà nội trợ biết kết hợp việc mua sắm với các thẻ khuyến mãi của các công ty, thì số tiền tiết kiệm hàng tháng từ cách này cho các bà nội trợ là rất lớn.
Tôi đưa ra một ví dụ, bạn muốn mua 1 chai dầu ăn. Giá bình thường cho 1 chai khoảng 1,3 lít là 5,99 USD. Siêu thị khuyến mãi tuần này là 3,99 USD. Công ty sản xuất có phiếu giảm giá tặng trị giá 1 USD. Siêu thi bạn mua hàng có quy định ngày thứ 3 trong tuần sẽ tăng giá trị phiếu giảm giá gấp đôi (tối đa trị giá phiếu giảm giá là 1 USD cho mỗi phiếu). Nếu bạn mua trong ngày thứ 3 của tuần khuyến mãi cộng thêm phiếu giảm giá bạn chỉ phải trả 3,99 USD (giá khuyến mãi) - 1 USD (phiếu giảm giá) - 1 USD (siêu thị nhân đôi trị giá phiếu giảm giá).
Như vậy, bạn chỉ phải trả 1,99 USD cho chai dầu giá bình thường 5,99. Và ở một số siêu thị nếu bạn mua tổng giá trị hóa đơn là 25 USD, thì bạn còn được giảm giá thêm 5 USD nữa.
Còn các siêu thị quần áo, mỹ phẩm cũng có các cách khuyến mãi khác nhau ví dụ phiếu giảm giá từ 10% thậm chí đến 90% tùy theo đợt khuyến mãi.
Ngoài ra, các công ty, siêu thị cũng có rất nhiều chương trình phiếu quà tặng miễn phí, dầu gội, xúc xích, nước ngọt, xà bông thậm chí cả quần áo. Nếu bạn biết cách kết hợp tất cả các chương trình lại với nhau cho một lần mua sắm, thì bạn sẽ trở thành một chuyên gia mua sắm. Và khi bạn đã trở thành một chuyên gia mua sắm rồi, thì với 100 USD, thậm chí 10 USD trên tay bạn vẫn có thể mua được số hàng trị giá gấp 10 thậm chí 20 lần số tiền bạn có.
Nói chung, mua sắm ở Mỹ là một trò chơi mà nếu bạn biết cách chơi thì số tiền hàng năm bạn tiết kiệm được có thể lên đến con số hàng ngàn USD. Tùy theo bạn có chơi tốt trò chơi này hay không.
Ở Mỹ thậm chí có cả một show chuyên về mua sắm tên là Extreme Coupon. Trong đó ví dụ như các bà nội trợ khi đi siêu thị mua số lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 USD nhưng khi tính tiền chỉ phải trả khoảng 60 USD thậm chí không phải trả đồng nào, hoặc chỉ phải trả tiền thuế.
Vấn đề lớn nhất của nhiều người Việt ở Mỹ là họ không có nhiều thời gian để tìm hiểu và vốn tiếng Anh hạn chế. Nên theo tôi được biết đa số người Việt ở Mỹ cũng không tiếp cận được nhiều với những thông tin mua sắm theo kiểu này.
Mrs Lam
Chia sẻ bài viết của bạn về mua sắm ở siêu thị tại đây.