Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ba tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng 5,1%, thấp so với mức thông thường là 7-8% do sức mua của thị trường yếu.
Kinh doanh điện máy cũng lâm vào khó khăn như những mặt hàng tiêu dùng khác. “Vòng đời tiêu dùng mặt hàng điện máy rất dài, ví dụ như tivi có thể 10 năm mới thay một lần. Do vậy, chu kỳ tiêu dùng hàng điện máy ồn ã đã qua. Nhiều siêu thị tung nhiều chương trình khuyến mãi nhưng vẫn bán được ít”, ông Vũ Vĩnh Phú – Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nhận định.
Tổng giám đốc một siêu thị điện máy phía Bắc bộc bạch đây là thời điểm khá khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ vì nhu cầu trong nước yếu ớt, trong khi các sản phẩm điện máy không phải hàng quá thiết yếu, người dân sẵn sàng cắt giảm chi tiêu. Sức cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng khốc liệt hơn khi áp lực giải phóng hàng tồn kho, chiếm lĩnh thị phần tăng.
Khảo sát của VnExpress.net tại một số cửa hàng, siêu thị điện máy sau Tết tại Hà Nội và TP HCM cho thấy, tốc độ tiêu thu không máy khả quan. Đa số khách hàng chỉ đến để xem hoặc tập trung vào những mặt hàng đang có khuyến mại lớn.
Trên tuyến phố điện máy Hai Bà Trưng (Hà Nội), Media Mart phát tờ rơi giảm giá 50%, miễn phí vận chuyển và cho khách hàng trả góp miễn lãi trong 6 tháng. Song một nhân viên tại đây thừa nhận “hiện thời kinh tế khó khăn, số lượng khách đến mua các sản phẩm điện máy cũng hạn chế”. Pico cũng tung ra nhiều chiêu giảm giá, thậm chí cho người mua bằng đặt cọc để giữ khuyến mãi trong một tuần nhưng lượng khách mua hàng vẫn thưa thớt.
Không chỉ vậy, sức mua yếu khiến nhiều siêu thị chưa dám nhập nhiều hàng để bán. Tại cửa hàng điện máy Top Care trên phố Minh Khai (Hà Nội), đa phần các mặt hàng bày bán đều là serie năm cũ. Một nhân viên tại đây cho biết chỉ có vài sản phẩm được nhập về với năm sản xuất là 2014, cho thấy tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp. Nhân viên một đơn vị điện máy khác cho biết chỉ có những sản phẩm như tivi 6-8 triệu, serie từ năm ngoái còn túc tắc bán được hàng.
Kinh doanh khó khăn khiến nhiều siêu thị phải thu hẹp quy mô, cắt giảm chi phí. Cách đây một năm, Pico xâm nhập thị trường phía Nam với khu điện máy trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM). Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, đơn vị này phải đóng cửa để nhường lại mặt bằng cho doanh nghiệp khác. Nguồn tin từ Pico cho biết, đơn vị này sẽ chuyển giao lại mặt bằng cho Lotte, nhưng việc đối tác có tiếp tục kinh doanh sản phẩm điện máy hay không thì phải chờ đàm phán. Hiện ngoài siêu thị, Pico đã treo biển “Từ 1/3/2014 tạm dừng hoạt động để sửa chữa và nâng cấp mặt bằng kinh doanh”.
“Đây là biểu hiện của việc doanh nghiệp co cum, tập trung củng cố các điểm đang kinh doanh tốt”, lãnh đạo Hiệp hội Siêu thị nhận xét. Theo ông, hiện các siêu thị chỉ nên phát triển các điểm kinh doanh hiện có. Nếu trường vốn, không đi vay ngân hàng nhiều hoặc có đối tác mạnh đứng đằng sau mới tính đến mở rộng, song phải hết sức cân nhắc.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng việc Pico Nam tiến không trụ vững được lâu là do trở ngại từ cách chọn địa điểm. “Với một trung tâm có diện tích lớn như TP HCM hay Hà Nội, muốn mở thêm cửa hàng phải tính trong vòng bán kính 10 km. Đằng này, chỉ trên một trục đường Cộng Hòa chưa đầy 3km, đã có Thiên Hòa, Nguyễn Kim và nay thêm cả Pico”, ông phản ánh.
Tổng giám đốc một siêu thị cũng bày tỏ trong hoàn cảnh khó khăn, các quyết định mở rộng phải cân nhắc kỹ lưỡng. "Lạc quan quá cũng chết, mà sợ sệt cũng rất dở", ông nói.
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu - Giám Đốc Marketing hệ thống trung tâm điện máy nội thất Thiên Hòa đánh giá sức cạnh tranh thị trường sẽ ngày càng khốc liệt, do vậy các doanh nghiệp bán lẻ trong nước muốn tồn tại phải chuẩn bị tâm lý và mọi yếu tố trong đó vốn, nguồn lực và quản trị. Ngoài ra, cạnh tranh sẽ khiến thị trường phân hóa rõ rệt giữa các nhà bán lẻ lớn và các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ.
“Hầu như các đối thủ đã bắt đầu chuẩn hóa mô hình, chiến lược và có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại”, ông Hậu nhận định.
Vị này cũng cho rằng cuộc đua này chắc chắn sẽ không dừng lại chỉ ở các chiêu bài khuyến mãi mà các nhà bán lẻ cần phải tạo thêm nhiều tiện ích, dịch vụ và giá trị gia tăng lớn cho khách hàng như hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ bảo trì, bảo hành, bảo hiểm sản phẩm, các dịch vụ gia tăng như tích điểm, tặng quà...
Nhưng dù đang có nhiều đơn vị “sống dở chết dở”, ông Hậu khẳng định Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác nhờ quy mô và số lượng người tiêu dùng. Theo vị này, kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 25% thị phần, ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Philippines 33%, Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%...
“Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ không ngừng lên kế hoạch, đổ tiền để giành thị trường. Một cuộc chiến khốc liệt đã bắt đầu”, ông bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Vũ Vĩnh Phú cho rằng trong tương lai, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam chắc chắn tăng lên so với mức 1.900 USD một năm hiện nay, và có thể sau một chu kỳ khoảng 5 năm nữa, ngành điện máy lại phát triển.
Vi Hà Linh