Nhóm tàu sân bay Nimitz, gồm cả môt tuần dương hạm tên lửa dẫn đường và 4 khu trục hạm, lưu lại Ấn Độ Dương cho "một quyết định đầy trách nhiệm và thận trọng", kênh ABC News dẫn lời một quan chức.
Một quan chức quốc phòng khác của Mỹ xác nhận với AFP rằng hàng không mẫu hạm USS Nimitz đã ở trong khu vực nhưng từ chối cho biết vị trí cụ thể.
"Hoạt động luân phiên của các tàu hải quân là bình thường khi các nhiệm vụ được hoàn thành và số lượng các tàu tại một khu vực cụ thể được thay đổi theo nhiệm vụ", quan chức trên nói. "Tuy nhiên, chúng tôi duy trì các lựa chọn bằng các giữ những tàu bổ sung tại khu vực này, trong đó có hàng không mẫu hạm USS Nimitz".
Siêu tàu sân bay hạt nhân của Mỹ lẽ ra phải quay lại cảng nhà ở Everett, bang Washington, sau nhiều tháng được triển khai tới biển Arab, nhưng được cho là nhận được lệnh ở lại khu vực. Chiến hạm này vẫn chưa được giao một nhiệm vụ cụ thể nào và giới chức quốc phòng Mỹ mô tả việc di chuyển này là "điều chỉnh thận trọng".
5 khu trục hạm của Mỹ đang được bố trí ở các vùng nước phía đông của Địa Trung Hải, tức là tăng lên so với 3 chiếc vốn thường xuyên được bố trí để tập trung vào việc đối phó với đe dọa tên lửa đạn đạo Iran nhằm vào châu Âu. Các tàu USS Stout, USS Mahan, USS Ramage, USS Barry và USS Graveley đều sẵn sàng phóng các tên lửa hành trình nếu Tổng thống Barack Obama ra lệnh.
USS San Antonio, một tàu đổ bộ với nhiều trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ trên khoang, cũng vừa được lệnh tới phía đông của Địa Trung Hải. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cho biết nó chưa nhận được nhiệm vụ cụ thể nào. Tổng thống Obama cũng vừa loại trừ khả năng lính Mỹ trực tiếp tham chiến trên bộ nếu Washington có hành động quân sự chống lại chính quyền Syria.
Hà Giang