Trong cuộc họp báo ngày 16/8, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh kêu gọi Nga quay lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và tuân thủ cam kết về việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vận chuyển lương thực đi qua vùng biển này. Dù vậy, bà thừa nhận Mỹ "không có bất cứ tàu chiến nào hoạt động tại Biển Đen" ở thời điểm này.
Kris Osborn, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Hiện đại hóa Quân đội Warrior Maven, người từng là chuyên viên làm việc cho Lầu Năm Góc, cho rằng Mỹ không có ý định đối đầu với hải quân Nga tại Biển Đen, do Washington muốn tránh một cuộc xung đột quy mô lớn với Moskva. Tuy nhiên, Mỹ đang triển khai siêu tàu sân bay USS Gerald Ford ngay cửa ngõ Biển Đen, dường như nhằm tăng sức ép với Nga.
Tàu USS Gerald Ford cùng các chiến hạm hộ tống gồm khu trục hạm USS Roosevelt, tuần dương hạm USS Normandy và tàu tiếp vận hậu cần USNS Leroy Grumnan cũng như tàu hộ vệ tên lửa Alpino của hải quân Italy tiến vào Địa Trung Hải ngày 15/6, đánh dấu sự trở lại của tàu sân bay Mỹ tại khu vực này sau hai tháng.
Tàu USS Gerald Ford đang tiến hành các cuộc tập trận chung với hải quân Hy Lạp tại khu vực cách trung tâm Biển Đen chỉ hơn 800 km. Đây được coi là động thái mang tính chiến lược của Washington, trong bối cảnh nước này thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thương mại tại vùng biển, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Theo Osborn, hoạt động của tàu USS Gerald Ford có thể hành động "răn đe" của Mỹ sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
"Trong trường hợp khẩn cấp, các chiến đấu cơ trên tàu USS Gerald Ford như F-35C có thể sẵn sàng xuất kích tới Biển Đen. Nếu được tiếp liệu trên không, chúng có thể bay tới khu vực bờ biển gần Ukraine và Nga", chuyên gia này nói.
Chuyên gia này cho rằng sự hiện diện của USS Gerald Ford tại Địa Trung Hải sẽ giúp Mỹ có thể huy động lực lượng bảo vệ khu vực bờ biển phía nam Ukraine trong trường hợp cần thiết, cũng như triển khai các phương tiện trinh sát, thu thập thông tin tình báo để hỗ trợ Kiev thực hiện các cuộc tập kích vào bán đảo Crimea.
Theo ông, sự hiện diện của khí tài chiến lược như tàu sân bay USS Gerald Ford ngay cửa ngõ Biển Đen sẽ khiến Nga phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn tiến hành bất cứ động thái tấn công nào bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc thực hiện các hành động quyết liệt hơn trên vùng biển phía nam Ukraine.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev gần đây liên tục đưa ra những lời đe dọa về vũ khí hạt nhân khi Ukraine tăng cường chiến dịch phản công. Tàu chiến Nga tuần trước cũng nổ súng bắn cảnh cáo một tàu chở hàng treo cờ Palau ở tây nam Biển Đen khi nó trên đường tới Ukraine.
USS Gerald Ford là tàu sân bay lớn nhất thế giới với chiều dài 337 m, có thể chở 75 phi cơ và thủy thủ đoàn lên đến hơn 4.500 người. Mỹ thường xuyên triển khai các siêu tàu sân bay tới những khu vực có tầm quan trọng chiến lược nhằm biểu dương sức mạnh trên biển và bảo vệ lợi ích của nước này hoặc đồng minh.
Phạm Giang (Theo Warrior Maven)