Đại diện Mercedes Việt Nam xác nhận kế hoạch bán mẫu AMG C 63 S E Performance nhập khẩu Đức vào tháng 11. Đây là mẫu xe hiệu suất cao thứ hai của dòng C-class được phân phối đến khách Việt. Trong tháng 8 tới, mẫu Mercedes-AMG C 43 lắp ráp tại nhà máy của hãng ở quận Gò Vấp, TP HCM sẽ đến tay người tiêu dùng.
Mercedes-AMG C 63 S E Performance là biến thể cao cấp, mạnh và đắt nhất của dòng C-class. Kí hiệu E trong tên gọi ám chỉ hệ truyền động điện có mặt trên mẫu sedan hiệu suất cao này.
C 63 S E Performance khác với thế hệ tiền nhiệm lắp máy V8 khi dùng động cơ 2.0 4 xi-lanh thẳng hàng cũng do AMG cung cấp. Động cơ này đi kèm bộ tăng áp kép điện tử, cho công suất 470 mã lực. Đây là máy 4 xi-lanh thẳng hàng mạnh nhất trên thế giới.
Một môtơ điện công suất 201 mã lực gắn ở cầu sau của C 63 S, kèm hệ thống vi sai điện tử và bộ truyền động 2 cấp. Xe đạt tổng công suất 671 mã lực, mô-men xoắn 1.020 Nm. Thế hệ cũ của C 63 S dùng máy 4.0 V8 công suất 503 mã lực, mô-men xoắn 700 Nm.
Pin công suất 6,1 kWh cung cấp sức mạnh cho môtơ điện, bộ phận chỉ cho công suất tối đa 201 mã lực trong khoảng 10 giây mỗi lần. Công suất thường trực được giữ ở mức 95 mã lực. Từ dải tốc độ 140 km/h trở lên, môtơ điện chuyển sang cấp số 2.
Cùng với hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian, Mercedes-AMG C 63 S E Performance tăng tốc 0-100 km/h trong 3,4 giây. Tốc độ tối đa 280 km/h. Khi vận hành thuần điện, mẫu xe của Mercedes lăn bánh nhiều nhất 13 km, tốc độ tối đa 125 km/h. Pin có thể sạc ngoài.
Thiết kế C 63 S E Performance có nhiều điểm tương đồng với C 43, cả ở ngoại lẫn nội thất. Hiện giá xe chưa được hãng Đức công bố. Xe cạnh tranh với đối thủ BMW M3 Competition hay Audi RS4 nhưng cả hai đều chưa bán chính hãng ở Việt Nam.
Dòng C 63 cũng từng được Mercedes bán tại Việt Nam nhưng nguồn cung không đều và thường ngắt quãng. Lần gần nhất C 63 S đến tay khách Việt vào 2015. Tuy nhiên, chiến lược của hãng Đức sẽ thay đổi từ 2023 khi ngoài xe điện, hãng sẽ đẩy mạnh thêm mảng xe thể thao hiệu suất cao tại Việt Nam lẫn toàn cầu.
"Đúng là nhiều năm trước Covid-19, Mercedes tập trung số lượng xe bán ra, tức thị phần", ông Matthias Lührs, người đứng đầu khối xe Mercedes khu vực quốc tế, nói với VnExpress trong một buổi gặp mặt hồi đầu tháng 6. "Nhưng trong khoảng thời gian Covid ấy, chúng tôi đã có thời gian để nhìn lại mọi thứ và nhận thấy cần thay đổi chiến lược trong sản phẩm lẫn cách thức mà Mercedes mang sản phẩm xa xỉ đến cho khách hàng".
Theo hãng Đức, nhiều năm qua, để phục vụ mục tiêu mở rộng doanh số, hãng đã tập trung phát triển các mẫu xe giá dễ tiếp cận (entry-level) như A-class, B-class hay thậm chí là phân khúc cao hơn và tầm trung như C-class, E-class. Trên thị trường toàn cầu, Mercedes cùng BMW cạnh tranh nhau cho ngôi vị số một mảng xe sang.
Tại Việt Nam, Mercedes là thương hiệu thống trị thị phần hơn 5 năm qua. Doanh số của Mercedes trung bình hơn 6.000 xe/năm, con số thậm chí lớn hơn lượng bán của BMW trong 4 năm gần nhất cộng lại. Thương hiệu tiệm cận nhất với Mercedes là Lexus cũng chỉ bán bằng 25% doanh số hãng Đức.
Qua thời đua tranh doanh số, Mercedes giờ đây ưu tiên hơn khía cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để củng cố sức mạnh thương hiệu. Hãng cho biết sẽ sẽ giảm hẳn các dòng xe ở cấp độ entry như A-class, B-class (không phổ biến ở Việt Nam), đẩy mạnh nhiều nhất có thể ở phân khúc giữa như C-class, E-class, GLC.
"Chúng tôi đồng thời phát triển thêm mảng cao cấp nhất trong danh mục sản phẩm (Top-end) như S-class, GLS, Maybach, AMG và thậm chí cả xe điện cũng có những mẫu Top-end như EQS và EQS SUV", ông Matthias Lührs cho biết thêm.
Thành Nhạn