Lương cầu thủ bóng đá là một trong những tìm kiếm phổ biến nhất trên Google, khi người hâm mộ rất muốn biết thần tượng của họ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi năm. Hầu hết đội không thông báo ngân sách cụ thể cho tiền lương, nhưng phóng sự điều tra của báo Tây Ban Nha Marca đã hé lộ phần nào bí mật này.
Sự thống trị của PSG. 10 cầu thủ có thu nhập cao nhất Ligue 1 đều đang khoác áo PSG, trong đó Neymar và Lionel Messi hưởng lương cao nhất châu Âu. "Đây là điều dễ hiểu. Để thu hút hai trong số những cầu thủ xuất sắc thế giới đến với giải đấu ít được truyền thông chú trọng và cạnh tranh như Ligue 1, PSG không chỉ cần một dự án hấp dẫn mà phải chi rất nhiều tiền. Trong trường hợp này, họ phải đáp ứng cả hai điều kiện", Marca lý giải.
Hợp đồng của Neymar được gia hạn năm 2021, kéo dài đến 2025 cùng tùy chọn kích hoạt thêm một mùa, với mức lương giảm dần mỗi mùa. Ngôi sao Brazil hiện hưởng lương mùa hơn 54 triệu USD, khoảng hơn 33 triệu USD sau thuế của Pháp. Hiện, anh cũng là cầu thủ đắt giá nhất thế giới, khi chuyển từ Barca đến PSG với giá hơn 263 triệu USD.
Messi, nhận 45 triệu USD mỗi mùa, có lương cứng kém đàn em, nhưng thu nhập sẽ tăng vọt nhờ khoản thưởng. Theo báo Pháp L'Équipe, tiền đạo Argentina không nhận tiền lót tay khi gia nhập PSG theo diện tự do hè 2021, nhưng sẽ nhận khoản "thưởng cho sự trung thành" trị giá hơn 33 triệu USD vào cuối kỳ chuyển nhượng hè 2022.
Đứng thứ ba PSG và Ligue 1 là Kylian Mbappe với 29 triệu USD mỗi mùa theo hợp đồng có hạn đến tháng 6. Tiền đạo Pháp từng từ chối lời đề nghị gia hạn thêm hai năm của PSG, với lương 53 triệu USD mỗi năm, và nhiều khả năng sẽ cập bến Real theo dạng tự do ở kỳ chuyển nhượng tới.
La Liga tiếp tục chịu chi. Bất chấp sự ra đi của Ronaldo, Messi và Neymar khiến La Liga mất đi sự cạnh tranh và hấp dẫn, mức lương ở giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha vẫn rất cao. Trong đó, ba "ông lớn" Real, Barca và Atletico duy trì sức mạnh tài chính ổn định. "Các cầu thủ không thể làm gì trước vấn đề thuế. Đây là vấn đề của nhà nước. Tại Tây Ban Nha, việc giảm thuế sẽ không được tính tới", nhà báo Jose Felix Diaz của Marca tiết lộ.
Gareth Bale và Eden Hazard - hai cầu thủ đang thất sủng ở Real - hưởng lương cao nhất La Liga khi lần lượt nhận hơn 37 triệu USD và 33 triệu USD mỗi năm. Antoine Griezmann - tiền đạo thuộc biên chế Barca đang đá cho Atletico theo dạng cho mượn - cũng nhận lương mùa 33 triệu USD.
Sergio Busquets, Gerard Pique và Jordi Alba đều đồng ý giảm lương để hỗ trợ Barca vượt qua khủng hoảng tài chính, trong đó Pique đăng sao kê số tiền lương 2.328.884,39 euro (hơn 2,5 triệu USD) nhận được trong nửa đầu mùa 2021-2022.
Sức mạnh tài chính đồng đều ở Ngoại hạng Anh. Không nhiều cầu thủ Ngoại hạng Anh vào top hưởng lương cao ở châu Âu, nhưng sức mạnh tài chính của các CLB tại giải rất ổn định. Ngay cả những CLB mới thăng hạng như Brentford hay Watford cũng có thể trả lương cầu thủ hơn 1 triệu USD mỗi mùa. Còn ở những giải đấu còn lại, chỉ những CLB đứng giữa bảng mới có tiềm lực tài chính mạnh như vậy.
"Ngoại hạng Anh là giải có khả năng đối phó tốt nhất trước đại dịch Covid-19. Điều này khiến tăng khoảng cách trên bình diện kinh tế giữa Ngoại hạng Anh và các giải đấu khác", Juan Corellano, chuyên gia từ La Media Inglesa, nhấn mạnh.
Trái ngược với La Liga, CLB ở Anh, trong đó có cả giải hạng Nhì Championship, không chịu sự kiểm soát tài chính với biên độ lương và được phép chi hơn 100% số tiền họ kiếm được.
Man Utd trả lương cao nhất cho các cầu thủ, dù chưa gặt hái được thành công trên sân. Chấp nhận giảm lương so với thời còn ở Juventus, nhưng Cristiano Ronaldo vẫn có thu nhập cao nhất Ngoại hạng Anh với 35 triệu USD mỗi mùa. Siêu sao Bồ Đào Nha bỏ xa những người xếp sau, gồm Kevin De Bruyne (27 triệu USD mỗi mùa), David De Gea (26), Jadon Sancho (24) và Raphael Varane (23).
Bayern không có đối thủ tại Đức. Không chỉ thành tích trên sân, Bayern còn áp đảo về mặt kinh tế tại Bundesliga. Họ là CLB Đức duy nhất được xem là ứng viên vô địch nặng ký ở mọi giải đấu tham dự năm này qua năm khác.
"Các CLB Đức chỉ có hai lựa chọn nếu muốn trả lương cao như Bayern, gồm đặt cược dài hạn với một dự án tài chính và thể thao sẵn sàng chịu đựng trong vài năm cho đến khi đạt được sự vững chắc, uy tín và thành công, hoặc nhận đầu tư từ bên ngoài, một khoản tiền lớn, giúp họ hóa rồng chỉ sau một đêm", Daniel Martinez, Giám đốc điều hành của 'EL FUTBOL - App Futbol Aleman', giải thích với Marca.
"Bạn phải lưu ý rằng sự khác biệt về tổng lương giữa đội đầu bảng Bayern và chúng tôi có lẽ là hơn 166 triệu USD. Về cơ bản, đó là khoảng cách lớn hơn so với Dortmund và đội cuối bảng, Greuther Furth", Giám đốc điều hành của Dortmund Hans-Joachim Watzke nói với báo Đức Bild.
Nhưng đây lại là con dao hai lưỡi khiến Bayern gặp khó trong việc gia hạn, khi các trụ cột liên tục đòi tăng lương. "Hùm xám xứ Bavaria" đã giải quyết xong tương lai của Kingsley Coman cách đây vài tuần, nhưng không đạt thỏa thuận với Serge Gnabry. Ngôi sao Đức còn hạn hợp đồng đến hè 2023, và có thể rời đi ở kỳ chuyển nhượng tới.
"Luôn luôn có một giới hạn chi tiêu, như quy tắc bất thành văn ở Bayern", Martinez giải thích thêm. "Nhưng sau khi Uli Hoeness rời ghế chủ tịch, Bayern đã linh hoạt hơn và chi đậm để chiêu mộ những ngôi sao như Lucas Hernandez, hay chi khoản tiền lớn phá vỡ hợp đồng để bổ nhiệm Julian Nagelsmann, hoặc tăng lương cho những trụ cột như Robert Lewandowski. Đây là chính sách quản lý mới ở Bayern, và có vẻ sẽ tiếp tục được mở rộng".
Lewandowski hiện hưởng lương cao nhất Bundesliga, với 25 triệu USD mỗi mùa. Con số này bằng một nửa Neymar, và thua xa nhiều ngôi sao khác ở châu Âu. Những trụ cột khác của Bayern, gồm Manuel Neuer, Leroy Sane, Thomas Muller, Joshua Kimmich, cùng nhận lương mùa 22 triệu USD.
Nhưng Bayern cũng nổi tiếng "thắt lưng buộc bụng" ở khía cạnh phí chuyển nhượng. Họ tiếp tục làm điều này khi nguồn thu giảm mạnh bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cựu Chủ tịch Bayern Uli Hoeness từng nói năm 2017: "Tôi sẽ không ký hợp đồng với bất kỳ cầu thủ nào với giá 120 triệu USD, ngay cả khi tôi có số tiền đó. Đó không phải là phong cách làm việc của Bayern. Tôi cũng nghĩ không có cầu thủ nào xứng đáng với giá tiền đó".
Bóng đá Italy: 'Nghị định Crescita' và cuộc khủng hoảng kéo dài. Không chỉ thành tích trên sân cỏ, với hai lần liên tiếp vắng mặt tại World Cup và hơn một thập kỷ không giành được danh hiệu châu Âu cấp CLB, bóng đá Italy còn đối mặt với khủng hoảng kinh tế.
Bất chấp sự xuất hiện của hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài, như tại Milan, Inter, Fiorentina, Roma, Atalanta, các CLB Italy không thể cạnh tranh với các ông lớn châu Âu về mặt kinh tế, và là giải đấu trả lương cho cầu thủ thấp nhất trong năm giải VĐQG hàng đầu châu lục. Thậm chí, không cầu thủ nào ở Serie A có tên trong top 30 cầu thủ có thu nhập cao nhất châu Âu.
"Nghị định Crescita" trong hệ thống thuế của Italy làm thay đổi đáng kể sự khác biệt giữa những cầu thủ hưởng lương cao nhất CLB, và cầu thủ khiến CLB phải chi nhiều tiền nhất để chiêu mộ. Các CLB hưởng lợi từ nghị định này bởi họ có thể trả thuế ít hơn khi ký hợp đồng với các cầu thủ nước ngoài.
Ví dụ, Matthijs De Ligt hưởng lương mùa cao nhất Serie A với 8,8 triệu USD ròng cùng tiền thưởng sau thuế. Tuy nhiên, Juventus trả nhiều tiền hơn cho các cầu thủ khác. Điều tương tự cũng xảy ra với tiền đạo Zlatan Ibrahimovic của AC Milan - người cũng đủ điều kiện để giảm mức lương này khi chỉ nhận 7,8 triệu USD lương ròng.
Một thị trường chuyển nhượng mới. Tất cả chuyên gia chuyển nhượng đều đồng ý với nhận định rằng việc mua sắm đã thay đổi rất nhiều, khi nhiều CLB nhắm đến những cầu thủ tự do, sắp hết hạn hợp đồng. Bản thân các cầu thủ cũng sẵn sàng chờ hết hạn để tự do đàm phán với các CLB khác.
"Theo tôi, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều những cầu thủ tự do", chuyên gia chuyển nhượng Fabrizio Romano nhận định trên Marca. "Có nhiều cầu thủ hàng đầu thậm chí đã tính toán việc rời đi như vậy từ sớm. Bởi khi đó, họ có thể lựa chọn bến đỗ tiếp theo tự do hơn".
Từ phía đại diện cầu thủ, Alvaro Torres, Tổng giám đốc bóng đá của công ty 'You First', giải thích: "Tôi nhận thấy việc các CLB giảm chi tiêu trên sàn chuyển nhượng, nhưng không giảm lương các cầu thủ. Bây giờ, các CLB gia hạn và ký hợp đồng với cầu thủ tự do nhiều hơn, bởi họ chi tiêu ít hơn. Việc đàm phán diễn ra chậm hơn, và việc căn thời gian kích hoạt bom tấn cũng thay đổi".
Các CLB cũng thay đổi kế hoạch chuyển nhượng. Vẫn có những thương vụ điên rồ xuất hiện vào ngày cuối của phiên chợ, nhưng số lượng ngày càng ít đi. "Trên sàn chuyển nhượng hiện nay, việc có kế hoạch rõ ràng sẽ tạo sự khác biệt. Ai có chiến lược, tầm nhìn sẽ có lợi thế trong việc đàm phán", Romano nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 cũng khiến nhiều CLB gặp khó trong việc trả phí đúng thời hạn. "Một số CLB hiện gặp khó trong việc hoàn tất các cuộc đàm phán. Ngoài ra, họ cũng gặp khó trong việc thanh toán các khoản theo hợp đồng đúng thời hạn", Romano nói, nhấn mạnh rằng đây là một chủ đề hiếm khi được thảo luận.
Sự khác biệt giữa tổng lương và lương cứng. Đây là vấn đề lớn khác, ảnh hưởng trực tiếp tới việc đàm phán giữa CLB và cầu thủ. Alvaro Torres, Tổng giám đốc bóng đá của công ty 'You First', tiết lộ rằng nội dung, điều khoản các cuộc đàm phán tùy thuộc vào từng quốc gia. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, các CLB luôn nói về tổng lương.
Vậy tổng lương và lương cứng khác nhau thế nào? Tổng lương là toàn bộ số tiền CLB trả cho một cầu thủ trước thuế, trong khi lương ròng là số tiền mà một cầu thủ kiếm được sau thuế.
Về việc đánh thuế, tất nhiên, thay đổi tùy thuộc vào quy định của quốc gia. Các CLB Tây Ban Nha trả thuế nhiều nhất, còn thuế với các đội tại Bundesliga dao động từ 20 đến 15% tổng lương.
Hồng Duy (theo Marca)