Tại các đô thị tôi đã từng sống và làm việc, phố đi bộ là lựa chọn ưa thích nhất để tôi đến hàng tuần. Mỗi nơi có những khu đi bộ với bản sắc khác nhau.
Tôi có nhiều kỷ niệm với phố đi bộ tại đô thị đại học như Telegraph Ave. của Đại học Berkeley và University way NE của Đại học Washington. Chúng là các con đường có đủ loại hình hoạt động và dịch vụ thương mại, được thiết kế rất thân thiện cho người đi bộ, có thể đóng lại cuối tuần để dành riêng cho các sinh hoạt cộng đồng.
Phố đi bộ tại Redmond town center là một điển cứu thú vị mở đầu cho trào lưu chuyển đổi các trung tâm thương mại thành trung tâm đô thị từ cuối thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ. Đây là một khu trung tâm đô thị thuộc sở hữu tư nhân với đầy đủ các công trình đa chức năng cần thiết như dịch vụ hành chính, dịch vụ thương mại, nhà ở... đáp ứng mọi nhu cầu của cư dân. Các phố đi bộ tại khu trung tâm thành phố Montreal, Canada càng đa dạng hơn. Chúng bao gồm hai phần, phần trên mặt đất để sử dụng vào mùa ấm; và mạng lưới không gian đi bộ dài 32 km ngầm dưới đất, trải rộng và kết nối với các công trình trên diện tích 12 cây số vuông để sử dụng cả năm, bao gồm sáu tháng mùa đông.
Ngoài ra, hầu hết các đô thị lịch sử tại châu Âu như Paris, Amsterdam, Venice, Barcelona, Vienna... đều có các khu trung tâm thân thiện với người đi bộ và đi xe đạp.
Vì yêu thích, nên tôi đã tới thăm, trải nghiệm, tìm hiểu nhiều không gian đi bộ của các đô thị từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á. Và tôi cũng nhận ra phố đi bộ Nguyễn Huệ của TP HCM đang vừa thừa vừa thiếu, vừa nhiều vừa ít.
Nhiều và thừa, là bởi đó là con phố khá dài, không có đường cắt ngang, các tuyến đường xung quanh đều là một chiều. Nên, nếu đi xe máy, xe hơi đến một điểm chỉ đối diện bên kia đường cũng có thể phải vòng lại tới 1-2 km, người đi cảm nhận rõ sự bất tiện. "Nhiều" còn bởi chỉ thấy bê tông và rất ít màu xanh. Nguyễn Huệ hiện nay đang là một khu vực bị bê tông hóa thay vì đáng ra nó phải là một không gian mát mẻ, thân thiện với con người. Những trưa nắng miền Nam, không ai có thể đi bộ ở đây.
Nhưng thiếu và ít, bởi vì nó đáp ứng quá ít điều kiện của một không gian đi bộ tốt đối với người dân, trong khi tiềm năng lại rất lớn.
Thứ nhất, phố đi bộ hiện nay chưa được khai thác không gian ngầm ở dưới, nơi đáng ra có thể làm được rất nhiều chuyện như bãi xe, khu dịch vụ thương mại, nhà vệ sinh, hầm chứa nước, rạp chiếu phim, sân khấu biểu diễn... Không gian lộ thiên và không gian ngầm dưới lòng thành phố là một hệ sinh thái không thể tách rời trong thiết kế đô thị. Ở đây, nguyên lý này đã bị bỏ qua.
Thứ hai, một tuyến phố đi bộ nhưng lại không gắn kết trực tiếp với khu vực công trình là nhược điểm lớn. Hiện chúng ta chỉ coi nó là phố đi bộ theo tên gọi mà thôi, bởi thực chất nó vẫn là một con đường có xe chạy giữa không gian đi bộ và công trình. Người dân đang đi không thể tiếp cận ngay cửa hàng, văn phòng, nhà ở với một vài bước chân trong khi sự tiện dụng đó tạo ra sự tương tác cần thiết và quan trọng.
Khi các vấn đề của Nguyễn Huệ chưa được giải quyết, tôi khá lo lắng bởi có đề xuất muốn biến đường Lê Lợi thành phố đi bộ Nguyễn Huệ thứ hai, tức nhân rộng mô hình còn bất cập này. Trong đó, đáng nói nhất là, Nguyễn Huệ và Lê Lợi đều rất dài, có thể trở thành lát cắt chia đôi, chia tư khu trung tâm TP HCM. Nếu tiếp tục không có đường cắt ngang thì người đi xe máy, ô tô phải di chuyển quãng đường rất xa, để đi vòng quanh, hoặc để đi đến nơi để gửi xe gần nơi muốn đến trong phố đi bộ, với nhiều phiền phức để đi từ hai điểm rất gần nhau về không gian. Đó không chỉ là sự bất tiện mà còn là sự lãng phí nguồn lực của xã hội.
Một điều nữa tôi chưa thấy các nhà quản lý đề cập, nhưng rất quan trọng, là phố đi bộ không cần luôn lộ thiên trên mặt đất. Chúng ta có thể tạo ra không gian đi bộ liên hoàn, với đoạn này dưới mặt đất, đoạn kia trên đường, thậm chí có thể lên trên cao; có đoạn vào trong nhà, đoạn ra ngoài trời, có đoạn lên cầu qua sông... miễn là nó phải tạo sự tiện lợi, sự liên tục, là khám phá thú vị cho người dân cũng như khách du lịch.
Trong hình dung của tôi, khi người ta bước vào khu trung tâm, họ có thể không cần xe cá nhân nữa, mà có thể đi bộ, đi xe buýt nội bộ, xe đạp để lên hay xuống ở bất cứ điểm nào. Một tuyến xe buýt miễn phí chạy giữa các điểm nội đô khu trung tâm hai bờ Đông Tây của sông Sài Gòn là rất khả thi và cần thiết. Khi chính quyền tổ chức được một không gian thuận lợi, an toàn, thoải mái thì người dân sẽ tự xoay chuyển cuộc sống phù hợp, thậm chí tự nguyện từ bỏ các phương tiện cá nhân chứ không cần phải cấm xe hay thu phí, gây ra những phản ứng không cần thiết từ cộng đồng.
Điều tôi mong mỏi từ lâu là nguyên khu lõi trung tâm của TP HCM gồm hai bờ Đông và Tây của sông Sài Gòn được tổ chức thành một không gian đi bộ thông suốt. Bởi thực tế, nó không chỉ là trung tâm của thành phố mà còn là trung tâm của cả vùng đô thị phía Nam, nơi người dân và cả du khách luôn có nhu cầu đổ về.
Không gian ấy tôi hình dung ít nhất phải bao gồm không gian của quận Một liên thông với đô thị mới Thủ Thiêm. Lý tưởng nhất, quảng trường Thủ Thiêm nằm bên kia sông phải trở thành một phần không tách rời của quảng trường - phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi đó, "trái tim mới" sẽ tạo cảm hứng thú vị về một TP HCM hiện đại nhưng hướng tới con người. Đó cũng là bản sắc văn hóa đô thị của Sài Gòn tương lai.
Ngô Viết Nam Sơn