Theo dự đoán của các chuyên gia, từ nay đến lễ nhậm chức Tổng thống, sẽ có thêm nửa triệu việc làm bị cắt giảm. Đó là chưa tính tới con số phỏng đoán khoảng 200 nghìn người mất việc trong tháng 10, thông tin này sẽ được kiểm chứng sau khi Chính phủ chính thức công bố vào thứ 6.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ước tính sẽ tăng từ 6,1% lên 6,3%, tồi nhất trong một thập kỷ qua. Theo dự đoán, tình hình năm tới còn xấu hơn khi tỷ lệ này lên tới 7%, cao nhất trong 15 trở lại đây.
Thị trường lao động ảm đạm là hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng lên kinh tế Mỹ. Thế nên, phần đông đều tin rằng Obama sẽ khó có thể làm gì để cải thiện tình hình trong ngắn hạn, ngay cả khi kế hoạch hỗ trợ kinh tế lần hai được thông qua.
"Siêu nhân Obama" có lẽ sẽ bất lực trong việc giải quyết thị trường việc làm trong ngắn hạn. Ảnh: Wordpress.com. |
"Siêu nhân Obama không thể thay đổi hiện trạng của nước Mỹ vào lúc này" và mọi thứ sẽ còn tệ hơn nữa trong ngắn hạn, ông Rich Yamarone, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế tại Argus Research nhận định.
Các lao động thuộc ngành công nghiệp xe hơi đặt nhiều hy vọng vào vị tân Tổng thống. Những tập đoàn trong ngành này đang cầu cứu một khoản hỗ trợ tài chính lớn tương đương với nguồn dành để cứu các Ngân hàng và tập đoàn tài chính tại phố Wall.
Trong một bài phát biểu gần đây, đại diện của General Motor (GM), nhà sản xuất ôtô hàng đầu nước Mỹ, cho biết rất mong Obama giúp tăng tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp ôtô nội địa. Hiện tại, các đại gia như GM, Ford, hay Chrysler đang sa sút nhanh chóng, không chỉ trên thị trường quốc tế, mà ngay tại sân nhà trước sự cạnh tranh dữ dội của các đối thủ nước ngoài, điển hình là Toyota.
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra, sẽ có thêm 2,5 triệu người Mỹ phải "ngồi chơi" trong năm tới nếu GM, Ford, và Chrysler buộc phải đóng cửa một nửa số nhà máy tại Mỹ.
Ông David Cole, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu về Công nghiệp ôtô, cho biết "Để bất kỳ ai trong ba nhà sản xuất ôtô chính sụp đổ sẽ tạo ra vết thương lớn cho nền kinh tế", nhất là trong hoàn cảnh nước Mỹ khó có thể chịu thêm một cú sốc lớn. Ông lo ngại khi viễn cảnh một hoặc hai nhà sản xuất ôtô lớn tại Detroit, trái tim của ngành công nghiệp xe hơi, phải đóng cửa ngày càng hiển hiện.
Tuy nhiên, kết cục buồn trên vẫn xảy ra ngay cả khi Chính phủ ra tay cứu các nhà máy nếu doanh số bán hàng vẫn thấp như hiện tại. Nhất là khi tín dụng cho việc mua sắm và hoạt động của người dân và nhà phân phối vẫn đang bị hạn chế.
Như vậy, cội rễ sâu xa của mọi chuyện lại quay trở lại thị trường tài chính. Vấn đề là chính quyền của Obama sẽ khó cho các ngân hàng tiếp tục vay tiền, sau khi gói 700 tỷ đôla đã được thông qua trước đó.
Thế nên, nạn thất nghiệp sẽ tiếp tục trầm trọng trong những tháng tới, bất kể gói hỗ trợ lần hai của Chính phủ có được thông qua hay không. Các biện pháp kích thích kinh tế sẽ khó tạo ra chuyển biến đáng kể trên thị trường lao động cho tới tận năm 2010.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng cảnh báo, mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu chính quyền mới của Obama mắc sai lầm.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ leo lên 8,5% trong quý I/2010 nếu Quốc hội không chú trọng tới các điều mục hướng tới thị trường lao động trong gói giải pháp mới. Bên cạnh đó, các hãng cũng sẽ giảm bớt tuyển người nếu họ cảm thấy Obama tạo cho công đoàn quá nhiều quyền lợi.
Xuân Hòa (Theo CNN)