Kính viễn vọng vũ trụ James Webb (JWST) đã không vượt qua được thử nghiệm mới nhất để kiểm tra kính viễn vọng có chịu được rung chấn khi phóng lên vũ trụ hay không, Sputnik ngày 4/1 đưa tin.
Theo thông báo của NASA, trong thử nghiệm rung diễn ra hôm 3/12, gia tốc kế trên kính viễn vọng phát hiện những bất thường ngoài dự kiến và tự chấm dứt thử nghiệm để bảo vệ phần cứng. "Trong thử nghiệm thường lệ cho kính viễn vọng vũ trụ James Webb của NASA, phản ứng ngoài dự kiến xảy ra ở một vài trong số hơn 100 thiết bị dùng để phát hiện những thay đổi nhỏ trong chuyển động của cỗ máy. Sự việc này buộc các kỹ sư phải dừng thử nghiệm để xác định nguyên nhân", NASA cho biết.
Eric Smith, giám đốc chương trình kính viễn vọng vũ trụ James Webb của NASA ở Washington, cho biết đội ngũ kỹ thuật viên đang tiến hành các phân tích nhằm xem xét lại sự cố, đưa ra kết luận cuối cùng và lên kế hoạch tiếp tục thử nghiệm độ rung vào cuối tháng 1.
Từ tháng 11/2016, JWST tham gia một loạt thử nghiệm tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland để sẵn sàng phóng lên không gian vào tháng 10 năm sau.
Kính viễn vọng James Webb được miêu tả như "cỗ máy thời gian" có thể giải mã những bí mật của vũ trụ. Chiếc kính sẽ được sử dụng để nhìn ngược quá khứ 13,5 tỷ năm trước khi những thiên hà đầu tiên ra đời trong vũ trụ sơ khai và quan sát nguồn gốc của những ngôi sao, ngoại hành tinh, các mặt trăng và hành tinh trong hệ Mặt Trời. Khi phóng vào năm 2018, đây sẽ là kính viễn vọng lớn nhất và mạnh nhất thế giới.
Bộ phận chính của kính viễn vọng là gương sơ cấp, bao gồm 18 tấm gương hình lục giác. Mặt gương vàng khổng lồ tạo nên từ 18 tấm sẽ kết hợp với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Mỗi tấm gương kích thước bằng bàn cà phê làm từ kim loại berili và nặng khoảng 20,8 kg, tráng một lớp vàng mỏng để tối ưu hóa khả năng khúc xạ ánh sáng hồng ngoại.
Phương Hoa