Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ dẫn nước từ Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, tới sông Hán Thủy, một trong những phụ lưu chính của sông Dương Tử. Đổ vào hồ chứa Danjiangkou ở hạ lưu sông Hán Thủy, dòng nước sẽ chảy tới phương bắc, vươn xa đến tận Bắc Kinh thông qua nhánh giữa của Dự án chuyển nước Nam - Bắc, một hệ thống kênh đào dài 1.400 km.
Päijänne, đường hầm dẫn nước dài nhất thế giới ở Phần Lan, trải dài 120 km qua lớp đá nền và sâu 130 m. Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ dài gấp đôi và nhiều đoạn sâu tới 1.000 m dưới lòng đất. Công trình sẽ mất một thập kỷ để xây dựng và tiêu tốn 8,9 tỷ USD, theo báo cáo hôm 8/7 trên trang Guangming Daily.
"Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ tạo ra sự kết nối giữa đập Tam Hiệp và Dự án chuyển nước Nam - Bắc, hai cơ sở hạ tầng chủ chốt của Trung Quốc", Niu Xinqiang, chủ tịch Viện khảo sát, hoạch định, thiết kế và nghiên cứu Trường Giang tại Vũ Hán, phát biểu trong lễ động thổ hôm 7/7.
Nguồn tài nguyên nước của Trung Quốc phân bố không đồng đều. Khu vực phía đông và phía nam đất nước thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong khi tình trạng thiếu nước kìm hãm phát triển kinh tế và sản xuất lương thực ở vùng phía tây và phía bắc. Đường hầm dẫn nước mới có thể biến gần 750.000 km2 đất hoang thành trang trại phù hợp để trồng lúa mỳ, lúa gạo, ngô, đậu và nhiều loại hoa màu khác, theo Liang Shumin, nhà nghiên cứu kinh tế và phát triển ở Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Trung Quốc. Công trình này cũng có thể biến đổi cảnh quan Trung Quốc.
Ví dụ, Dự án chuyển nước Nam - Bắc đã vận chuyển 54 tỷ m3 nước từ khu vực sông Dương Tử, đáp ứng nhu cầu của hơn 140 triệu người ở miền bắc Trung Quốc từ khi bắt đầu vận hành vào năm 2014, gần tương đương lượng nước ở toàn bộ sông Hoàng Hà. Kết quả là ở một số thành phố như Hình Đài, nước ngầm dâng lên nhanh đến mức tràn vào một số bãi đỗ xe dưới lòng đất.
Nhiều dự án dẫn nước, bao gồm đường hầm Yinjiangbuhan, chạy qua một số địa hình hiểm trở nhất trên Trái Đất. Các kỹ sư và công nhân đào hầm phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp suất ở lớp đá sâu, vùng đứt gãy, ngập lụt và nhiệt độ cao mà ngay cả máy móc cũng không thể chịu được. Nhưng Yang Qigui, nhà khoa học ở Viện khảo sát, hoạch định, thiết kế và nghiên cứu Trường Giang, cho biết Trung Quốc đã xử lý phần lớn vấn đề kỹ thuật nhờ hàng loạt sáng kiến kỹ thuật trong 5 năm qua. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo được áp dụng ở gần như mọi đường hầm dẫn nước xây dựng gần đây, từ lên kế hoạch dự án, thi công và kiểm soát chất lượng tới vận hành dài hạn, Yang và cộng sự cho biết trong bài báo đăng trên tạp chí Geotechnical Engineering số tháng 7/2022.
An Khang (Theo SCMP)