Trên sao Mộc, một cơn bão đã hoành hành suốt hơn 300 năm. Mang tên Vết đỏ lớn, khu vực áp suất cao xoay tròn này có thể nhìn rõ từ không gian, trải rộng hơn 16.000 km trong khí quyển sao Mộc, gấp 1,25 lần đường kính Trái Đất. Theo hai nghiên cứu mới công bố hôm 28/10 trên tạp chí Science, siêu bão Vết đỏ lớn của sao Mộc cũng đặc biệt sâu, vươn xa 480 km xuống dưới, gấp khoảng 40 lần rãnh Mariana ở Thái Bình Dương, rãnh đại dương sâu nhất trên Trái Đất.
Độ sâu đó lớn hơn nhiều so với dự đoán của các nhà nghiên cứu, phần đáy của cơn bão vượt qua cả mốc khí quyển, nơi nước và amonia ngưng tụ thành mây. Độ sâu của cơn bão cho thấy một số quá trình chưa biết kết nối cấu trúc bên trong sao Mộc với bầu khí quyển, thúc đẩy những hiện tượng khí tượng mạnh ở quy mô lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đây, theo Scott Bolton, nhà nghiên cứu chính trong nhiệm vụ Juno của NASA.
Cả hai nghiên cứu mới dựa vào quan sát từ tàu thăm dò Juno. Con tàu tiến vào quỹ đạo sao Mộc năm 2016 và đã hoàn thành 36 lượt bay gần hành tinh khí khổng lồ rộng 140.000 km. Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học kiểm tra Vết đỏ lớn bằng máy đo bức xạ vi sóng của tàu thăm dò, công cụ phát hiện vi sóng phát ra từ bên trong hành tinh. Khác với bức xạ vô tuyến và hồng ngoại, vi sóng có thể truyền qua lớp mây dày của sao Mộc. Thông qua nghiên cứu phát xạ vi sóng, nhóm chuyên gia NASA xác định siêu bão Vết đỏ lớn vươn sâu khoảng 350 km.
Nghiên cứu thứ hai phát hiện siêu bão này có thể còn lớn hơn ước tính ở nghiên cứu đầu tiên. Các tác giả nghiên cứu kiểm tra Vết đỏ lớn bằng công cụ phát hiện trọng lực của tàu Juno. Dữ liệu tổng hợp từ 12 lần bay qua cơn bão giúp nhóm nghiên cứu tính toán nơi tập trung phần lớn khối lượng. Họ kết luận Vết đỏ lớn có độ sâu tối đa khoảng 480 km.
Dù vậy, Vết đỏ lớn vẫn nông hơn nhiều những luồng gió khổng lồ bao quanh và cung cấp năng lượng cho nó. Độ sâu của luồng gió là 3.200 km bên dưới các đám mây. Hiện nay, Vết đỏ lớn đang nhỏ dần với độ rộng giảm 1/3 từ năm 1979 nhưng giới nghiên cứu vẫn chưa thể dự đoán tương lai của nó.
An Khang (Theo Live Science)