Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, thay thế cho văn bản năm cách đây hơn 6 năm chỉ quy định việc cung cấp các dịch vụ vận tải.
Theo đó, doanh nghiệp vận tải biển kinh doanh tuyến quốc tế phải có vốn hoặc tài sản khác tối thiểu 20 tỷ đồng, gấp 4 lần mức quy định với doanh nghiệp chỉ kinh doanh tuyến nội địa. Các doanh nghiệp này cũng phải có bộ phận chuyên trách quản lý an toàn, an ninh hàng hải và bộ phận pháp chế.
Bên cạnh yêu cầu năng lực tài chính, lần đầu tiên trình độ chuyên môn của lãnh đạo doanh nghiệp vận tải biển được quy định chi tiết. Cụ thể, lãnh đạo phụ trách khai thác tàu biển phải có bằng đại học một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế và phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khai thác tàu biển tối thiểu 3 năm. Người phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh và pháp chế cũng phải có bằng cấp chuyên ngành và kinh nghiệm tối thiểu 2 năm.
Nếu vi phạm điều kiện kinh doanh hoặc làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phép hoặc khi bị phá sản, giải thể, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh.
Với hoạt động dịch vụ đại lý tàu biển và lai dắt, Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia góp vốn thành lập công ty, song giới hạn góp vốn không vượt quá 49%.
Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, song những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này trước ngày Nghị định có hiệu lực vẫn được tiếp tục kinh doanh và có 5 năm chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện mới.
Việc Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh vận tải biển diễn ra trong bối cảnh toàn ngành phải tái cấu trúc mạnh mẽ, nổi bật là "anh cả" Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang chật vật sau khi lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong 3 năm liên tiếp (năm 2011 văn phòng Chính phủ cho biết lỗ khoảng 2.600 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 2.400 tỷ đồng và năm 2013 dự kiến lỗ 2.100 tỷ đồng) và có khoản nợ ngân hàng trên 68.000 tỷ đồng.
Huyền Thư