Theo đó, các tổ chức tín dụng được đề nghị quản lý chặt tình hình cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài.
Ngoài ra, các ngân hàng cần "hạn chế cho vay đầu tư bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ". Chính sách tín dụng của các ngân hàng cần linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân.
Gần đây, một nhà băng trên thị trường là Sacombank cũng yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở, áp dụng đến hết tháng 6.
Một số lãnh đạo ngân hàng khác cũng cho biết thực hiện theo chủ trương "siết tín dụng đầu cơ bất động sản" của Ngân hàng Nhà nước, nhưng sẽ mở rộng, đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu vay vốn mua nhà ở của người dân.
Hiện nay, tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng hai triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực bất động sản dần hạ nhiệt trong những năm gần đây, từ mức trên 26% trong năm 2018, giảm còn 12% trong năm 2020-2021.
Quỳnh Trang