Theo nghị định 71 ban hành ngày 5/6, Chính phủ đã siết chặt hơn nữa các điều kiện thành lập, hoạt động của trung tâm, doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm, vốn đã được quy định trong nghị định 19, ban hành năm 2005.
Theo văn bản mới này, trung tâm giới thiệu việc làm hoạt động ở tỉnh có dân số, lực lượng lao động lớn thì số phó giám đốc và số phòng ban có thể nhiều hơn, nhưng phải do cơ quan có thẩm quyền thành lập trung tâm quyết định.
Trung tâm có nghĩa vụ theo dõi tình trạng việc làm của lao động do trung tâm giới thiệu hoặc cung ứng trong thời gian 12-36 tháng (nếu hợp đồng từ đủ 12 tháng trở lên). Quy định hiện nay chỉ 12 tháng. Khi bị mất việc, lao động phải thông báo cho trung tâm để được tạo điều kiện sử dụng dịch vụ tìm việc làm mới.
Lao động tìm việc tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, một trong 5 trung tâm được cấp phép tại Hà Nội. Ảnh: H.K. |
Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ việc làm, nghị định sửa đổi cũng thắt chặt hơn theo hướng nếu vi phạm ngành nghề kinh doanh, gian lận đối với lao động, không thực hiện nghĩa vụ... sẽ bị tước giấy phép 3 tháng. Doanh nghiệp bị tước giấy phép có thời hạn lần thứ hai thì bị tước phép vô thời hạn.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc siết chặt điều kiện của trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm nhằm bảo vệ quyền lợi lao động, tránh tình trạng lừa đảo, hoặc đăng ký nhưng không hoạt động vốn rất phổ biến.
Riêng tại Hà Nội, theo khảo sát năm 2006 của Sở Lao động, trong tổng số 688 trung tâm, doanh nghiệp có chức năng dịch vụ việc làm chỉ 22 cơ sở thực sự hoạt động, còn lại toàn đăng ký cho “oai”. Gần 1/3 doanh nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước gửi công văn, nhưng nhân viên bưu điện không tìm thấy... địa chỉ.
Sau nhiều lần thanh lọc, đến giữa tháng 5/2007, Hà Nội chỉ còn 5 trung tâm và 3 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm.
Hồng Khánh