Hàng nghìn người dân Sierra Leone đã đổ xuống các con đường lúc nửa đêm để ăn mừng sự kiện lịch sự: Đất nước chính thức thoát khỏi Ebola. Đám đông tập trung quanh gốc cây bông 600 tuổi ở trung tâm thủ đô Freetown. Có người thắp nến để tưởng nhớ các nạn nhân chết trong đại dịch, số khác nhảy múa trong sự hân hoan. Nhiều nhóm phụ nữ xếp hành đi diễu hành.
Theo BBC, thông báo chính thức được WHO đưa ra vào ngày 7/11. Trong vòng 18 tháng trước đó, Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 4.000 người dân Sierre Leone.
Các nhân viên y tế tại Sierra Leone được vinh danh vì những đóng góp và hy sinh cho cộng đồng. Không ít bác sĩ đã qua đời sau khi chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Tiến sĩ Oliver Johnson làm việc tại phòng khám Ebola ở Freetown cho biết: "Thay mặt các y bác sĩ, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm khi biết rằng đại dịch cuối cùng cũng chấm dứt. Sau những hoài nghi và sai lầm, chúng ta đã đến được đây".
Tuy vậy không phải ai cũng ngất ngây trong niềm vui. Đối với Daddy Hassan Kamara, sự kiện lịch sử đem đến cảm giác vui buồn lẫn lộn. Anh đã mất 9 người thân do Ebola, trong đó có mẹ và các con. Người đàn ông nghẹn ngào: "Tôi nhớ lại những gì mình đã trải qua. Ngày hôm nay đối với tôi thật đau đớn".
Sierra Leone đang bước vào giai đoạn theo dõi 90 ngày với sự hỗ trợ của WHO để kịp thời phát hiện trong trường hợp có ca nhiễm mới.
Tính từ tháng 5/2014, Sierra Leone ghi nhận 3.955 ca tử vong do Ebola. Đại dịch khiến 8.624 trẻ em rơi vào cảnh mất cha mẹ, 50% dân số mất việc làm, sản lượng nông nghiệp giảm 30% và 1.760.000 học sinh không được đến trường. Dịch Ebola được cho là khởi đầu từ các nước Châu Phi vào tháng 2 năm ngoái và nhanh chóng lây lan khắp thế giới. Bệnh chưa có thuốc điều trị, đến nay các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và thử nghiệm văcxin phòng ngừa Ebola.
Người dân Sierra Leone ăn mừng đất nước thoát khỏi đại dịch Ebola
Minh Nguyên