Tại buổi thảo luận chiều 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật thủ đô để tạo cơ chế, hành lang thông thoáng cho Hà Nội phát triển xứng tầm sau khi được mở rộng vào năm 2008. Các đại biểu tập trung bàn thảo về 2 phương án siết chặt điều kiện nhập cư vào thủ đô.
Theo đó, phương án 1, công dân được đăng ký thường trú ở nội thành, nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Với phương án này thì mỗi năm số người nhập hộ khẩu vào nội thành sẽ giảm khoảng 28% (14.000 người).
Còn phương án 2, công dân được nhập khẩu nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Trường hợp nhà ở do thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người. Theo phương án này sẽ giảm khoảng 38% (19.100 người) mỗi năm.
Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, đại biểu Phạm Thị Hồng Nga, cho biết, năm qua Hà Nội có thêm 38.000 trẻ vào học mầm non trong khi đất xây trường học không tăng. Cả một năm, lãnh đạo thành phố liên tiếp đôn đốc mới xây được 4 trường trong nội đô từ những cơ sở đã di dời. Dân nhập cư nhiều nên lớp có tới 50-60 trẻ, ngành giáo dục rất bức xúc song không đẩy em ra các lớp tư thục.
“Nếu dân số tiếp tục tăng thì rất khổ, chúng tôi rất sợ. Quản lý dân cư rất quan trọng, đoàn đại biêu các tỉnh khác không hiểu hết áp lực nhập cư ở Hà Nội”, bà Phạm Thị Hồng Nga bày tỏ. Theo bà Nga, cần có điều kiện nhập khẩu để quản lý dân cư, nên phương án 2 với thắt chặt chỗ ở người dân trên 5 m2 sẽ hạn chế người nhập cư để quản lý tốt hơn.
![]() |
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: "Thủ đô cần được quản lý tốt đất đai, giao thông, dân cư". Ảnh: Đoàn Loan |
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Kim Tuyến lại nghiêng về phương án 1. Ông cho rằng, quản lý dân cư đã bàn nhiều lần song chưa đạt hiệu quả. Với thủ đô, cần thống nhất thiết chế lại để quản lý dân cư chặt chẽ, đảm bảo mật độ ở, giáo dục, y tế, đảm bảo cho đời sống dân cư nói chung. Ông Đỗ Kim Tuyến cũng cho rằng, cần thống nhất mức xử phạt có đặc trưng riêng trong khu vực nội đô.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, nhiều người dân kêu chính quyền quản lý dân cư yếu. Do vậy, không thể để nhập cư vô tội vạ, khi người dân trong nội đô còn không có trường học thì người ngoài vào ồ ạt. Song hướng theo phương án 1 thì có nội dung mềm mỏng hơn, cần làm rõ việc nhập cư vào nội thành và ngoại thành khác nhau, ở ngoại thành vẫn áp dụng theo Luật cư trú.
Ông Thạch cũng bày tỏ, Hà Nội có hơn 70 trường đại học, hơn 100 viện nghiên cứu song thời gian qua thủ đô chưa khai thác hiệu quả các trường, mà dường như các trường khai thác thủ đô. Do đó, phải xác định mối quan hệ, tận dụng chất xám của các trường, không cần lập trường đại học riêng.
"Các tỉnh miền Nam cũng kêu thiếu đất xây trường, trong khi đất xây khu công nghiệp, nghỉ dưỡng được cấp nhiều, nhanh, nên cần có cơ chế dành quỹ đất xây trường. Thủ đô cần xây dựng cơ chế đào tạo đặc thù, nâng cao chất lượng đời sống giáo viên", ông Trịnh Ngọc Thạch nói.
Đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng, đất tại thủ đô là "tấc vàng" nên cần quản lý có hiệu quả, trách nhiệm hơn, HĐND thành phố phải quản lý đất theo đúng quyền hạn, tiết kiệm, đúng quy hoạch. Ông cũng cho rằng, mức xử phạt giao thông tăng so với các tỉnh khác là cần thiết bởi với tình hình đô thị hóa nhanh, phương tiện lưu thông lớn. Mức phạt phải mang tính răn đe, để người dân thấy có trách nhiệm với thủ đô.
![]() |
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị: "Chính quyền không thể cấm máy móc, cũng không thể mở hoàn toàn". Ảnh: Hoàng Hà |
Tại buổi thảo luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, Luật thủ đô được xây dựng từ tháng 3/2009, với mong muốn thông qua dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, song đã không thực hiện được. Đến nay, bộ luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, lấy ý kiến nhiều chiều.
"Tôi cảm thấy mọi người nhầm lẫn Hà Nội với tư cách thành phố trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM. Về kinh tế, Hà Nội không lớn bằng TP HCM, song có đặc điểm rất khác là thủ đô, nơi đặt trụ sở Chính phủ, nơi diễn ra các hoạt động lớn của quốc tế và Việt Nam. Bộ luật không những đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố mà còn cho thủ đô, các hoạt động đại diện cho quốc gia", Bí thư Phạm Quang Nghị bày tỏ.
Theo ông Nghị, để quản lý tốt dân cư nội thành thì cần có điều kiện nhập khẩu, vì xét cho cùng, quy định này để đảm bảo cuộc sống cho người nhập cư và người đang sống, phù hợp với quy mô dân số theo quy hoạch. Diện tích nội đô hạn chế nên chỉ có thể chất tải lên đó chừng mực nào đó. Ông cũng cho rằng, những người lao động tự do vẫn hoạt động bình thường, sinh sống tạm trú, mà không nhập khẩu.
Ông lấy ví dụ, quận Hoàn Kiếm rộng 4,5 km2, chỉ lớn hơn công viên Đại Nam (Bình Dương) nửa km2, song hiện Hoàn Kiếm đã có 220.000 dân, có nhà là nơi sinh sống của 7-8 hộ. Mật độ quá đông nên Hà Nội đang phải làm biện pháp giãn dân để cân đối lại quy mô dân số.
"Đối mặt với lượng người như vậy mà còn đưa thêm dân vào, thậm chí đông hơn thì không làm tròn trách nhiệm với người sống trên đó. Phải đảm bảo cuộc sống bình thường chứ không phải quá tải. Tâm lý những người ở tỉnh ngoài muốn về thủ đô cũng là bình thường, nhưng vì lợi ích chung của thủ đô thì phải chấp nhận điều kiện tương đối, chính quyền không thể cấm máy móc, cũng không thể mở hoàn toàn", ông Nghị khẳng định.
Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, mức độ xử phạt vi phạm giao thông, xây dựng.... cần có đặc thù. Thực tế, đất trong nội đô giá 200-300 triệu/m3, dân chỉ cần xây quá 1 tầng thì thu lợi hàng chục tỷ đồng, nên người ta sẵn sàng nộp phạt vài chục triệu để được vi phạm. Xe đổ phế thải ra đường, nộp phạt còn rẻ hơn là phải chi phí mang đi nơi xa đổ. Trong khi đó, hành vi này gây thiệt hại cho xã hội nhiều lần như tắc đường, mất vệ sinh...
Đoàn Loan