Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 5/12 xác nhận cơ quan công tố quân đội đang điều tra hai quân nhân thuộc Bộ Chỉ huy Tình báo Quân sự (DIC) với cáo buộc cưỡng hiếp một phụ nữ đào tẩu.
Người phụ nữ Triều Tiên này nộp đơn tố cáo thượng sĩ họ Kim và trung tá họ Sung, cả hai đều làm việc tại DIC, vì đã cưỡng bức cô trong hơn một năm. Nạn nhân cho biết đã đào tẩu đến Hàn Quốc vài năm trước đây và được một sĩ quan cảnh sát đưa tới gặp hai nhân viên của DIC.
![Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại Khu vực An ninh Chung ở biên giới liên Triều. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/12/06/2-8655-1575603850.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5LFWyaRd8Kt9GsdmAabSuw)
Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại Khu vực An ninh Chung ở biên giới liên Triều. Ảnh: Reuters.
Kim và Sung được cho là thường xuyên gặp người phụ nữ đào tẩu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cô và kiểm tra thông tin mà cô cung cấp. Hồi tháng 5 năm ngoái, Kim bị cáo buộc đã chuốc rượu khiến người phụ nữ mê man và cưỡng hiếp cô.
Nạn nhân cho biết thượng sĩ này tiếp tục tấn công tình dục cô thêm nhiều lần, kéo dài cho tới giữa tháng 6 năm nay, khiến cô hai lần mang thai. Kim được cho là đã ép nạn nhân phải phá thai cả hai lần.
Khi tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, người phụ nữ đã nhờ trung tá Sung, cấp trên của Kim, can thiệp. Tuy nhiên, trung tá Sung đã đưa cô đi uống rượu và sau đó ép cô quan hệ tình dục tại nhà của cô hồi tháng 1.
Nạn nhân nộp đơn tố cáo Kim tội cưỡng dâm hồi tháng 10, sau đó tiếp tục tố cáo cả Kim và Sung tội lợi dụng quyền lực để tấn công tình dục. Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chuyển hồ sơ về hai người này cho cơ quan công tố quân đội để đề nghị truy tố vào cuối tháng 11. Cả Kim và Sung đều đã bị đình chỉ công tác.
"Nạn nhân là một người Triều Tiên đào tẩu, không có họ hàng thân thích ở đây và không biết cậy nhờ ai giúp đỡ", Jeon Su-mi, luật sư từ hãng luật Good Lawyers đại diện cho người phụ nữ, cho biết. "Cô cũng đã bị các sĩ quan DIC đe dọa, do họ nắm nhiều thông tin về cô. Bởi vậy, nạn nhân gần như không thể kháng cự trước hành vi của họ".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho hay hai thành viên DIC bị tố cáo "sẽ bị xử lý thích đáng tùy thuộc vào kết quả điều tra".
![Jeon Su-mi, luật sư công ty Good Lawyers đại diện cho nạn nhân Triều Tiên. Ảnh: Good Lawyers.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/12/06/jeon-7735-1575598119.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zwlEbL5_RnqiUwwSAi9RWg)
Jeon Su-mi, luật sư công ty Good Lawyers đại diện cho nạn nhân Triều Tiên. Ảnh: Good Lawyers.
Hơn 72% trong số 33.000 người đào tẩu từ Triều Tiên đến Hàn Quốc là phụ nữ. "Nhiều người đào tẩu đã bị xâm hại tình dục ở Trung Quốc trước khi đến Hàn Quốc", một nhà hoạt động quyền công dân cho biết. "Họ chịu đựng điều đó và mang tư tưởng rằng mình đã bị ô uế khi đến Hàn Quốc".
Sáng kiến Tương lai Hàn Quốc, tổ chức vì quyền công dân, cho biết hàng nghìn phụ nữ Triều Tiên bị ép bán dâm ở Trung Quốc, nhiều trong số họ bị buộc trở thành nô lệ tình dục ít nhất một lần trong vòng một năm sau khi rời khỏi quê nhà.
"Họ không quen nói ra, không được giáo dục về xâm phạm tình dục và đòi hỏi quyền lợi. Một số người không biết rằng tấn công tình dục là hành vi phạm tội", một nhà hoạt động nói. Lý do lớn nhất khiến phụ nữ Triều Tiên giữ im lặng vì họ ưu tiên kiếm sống. "Họ nói họ cần tồn tại, cần ăn và cần sống trước nhất", các nhà hoạt động cho hay.
Theo số liệu năm 2017 của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhiều người Triều Tiên đào tẩu gặp khó khăn rất lớn trong việc hòa nhập xã hội mới. Thu nhập trung bình hàng tháng của người đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc khoảng 1,9 triệu won (1.590 USD), thấp hơn so với thu nhập trung bình 2,4 triệu won của người Hàn Quốc.
Nhật Duy (Theo BBC/KoreaHerald)