Bài viết giới thiệu về show thực cảnh của hai tác giả Dan Tham và Kate Springer được đăng tải trên báo Mỹ ngày 18/6. Dưới đây là nội dung chia sẻ:
Chương trình được biểu diễn trên một sân khấu mặt nước, sử dụng hiệu ứng 3D, với hàng trăm diễn viên trong trang phục truyền thống, nền nhạc sống động, các điệu nhảy dân gian...
Bắt đầu đón khách từ cuối năm 2017 tại Hà Nội nhưng Tinh Hoa Bắc Bộ đã tạo được ấn tượng của một chương trình nghệ thuật có những yếu tố để vươn tới tầm đẳng cấp thế giới. Mục tiêu chính của show là thể hiện lịch sử, văn hóa, di sản của vùng đất Bắc Bộ - miền đất nông nghiệp phía bắc Việt Nam.
Diễn viên biểu diễn trên sân khấu là mặt nước lớn, trong không gian mở rộng, thể hiện một cách bao quát về đời sống làng quê Bắc Bộ, thông qua các màn nhạc, thơ dân gian, rối nước, Phật giáo...
Video: CNN
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết: "Khi làm show này, tôi cảm thấy rất tự hào về đất nước Việt Nam, quê hương yêu dấu của tôi. Chúng tôi có rất nhiều di sản có thể gọi là tinh hoa. Chương trình này là một cơ hội tốt để giới thiệu văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế".
Từ nghìn năm trước, Bắc Bộ vốn là một vùng đất trồng lúa nước trù phú của Việt Nam. Lấy ý tưởng từ văn hóa nông nghiệp đó, đạo diễn Nhật Nam đã tạo nên show diễn đương đại này nhằm lưu giữ, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Và thực sự còn ai kể chuyện Bắc Bộ hay hơn chính người dân nơi đây? Đạo diễn đã thuê những nông dân, người nghỉ hưu và dân cư vùng Quốc Oai, ngoại ô Hà Nội, để biểu diễn trên sân khấu.
Show diễn có khoảng 200 diễn viên. Trong đó 120 người là nông dân địa phương, và 70 - 80 diễn viên chuyên nghiệp từ Trường Cao đẳng Múa Hà Nội.
"Khi bắt đầu làm show, việc tụ họp người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi nghĩ họ có niềm đam mê trong máu thịt của mình rồi, và họ làm việc rất chăm chỉ với chúng tôi mỗi ngày", theo đạo diễn Nhật Nam.
Nguyễn Thị Sơn, một nông dân 70 tuổi đã nghỉ làm, là một trong những diễn viên quần chúng trong show diễn thực cảnh Tinh Hoa Bắc Bộ. Bà Sơn chia sẻ: "Chương trình này là cách rất hay để cho thấy vẫn có những người làm nghệ thuật quan tâm tới cả lớp trẻ lẫn lớp người già cả như chúng tôi. Đi diễn show không nặng nhọc như làm đồng áng mà còn rất vui. Hơn nữa, công việc cũng đem lại nguồn thu nhập cho chúng tôi".
Show diễn tổ chức ở dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), cách trung tâm thủ đô khoảng 40 phút di chuyển. Phông nền phía sau sân khấu mặt nước chính là phong cảnh núi non, đồng lúa, làng quê, chùa chiền ở địa phương.
Điểm nổi bật của sân khấu chính là một thủy đình nổi lên từ dưới mặt nước. Cảnh tượng này bắt đầu khi vào đoạn diễn kể chuyện về thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh bằng những lời ca điệu nhạc dân gian. Show có các nội dung chính thể hiện các nét văn hóa Bắc Bộ là: Thi Ca, Cõi Phật, Hoài Cổ, Nhạc Họa, An Vui, Ngày Hội.
"Lần đầu tiên tôi nhận ra những người nông dân có thể làm được mọi thứ. Họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng khi luyện tập hàng ngày, đặc biệt là khi có khán giả tới xem, ánh sáng âm thanh nổi lên, họ nhập vai thật tự nhiên", đạo diễn Nhật Nam chia sẻ.
Hương Chi (theo CNN)