Tối 8/8, Cường Đàm biến Nhà hát Lớn trở thành rạp hát của những cá tính thời trang dị biệt. Sự kiện đánh dấu lần đầu nơi này trở thành sàn diễn thời trang mang tính thể nghiệm. Toàn bộ hàng ghế ở tầng một sát sân khấu là một phần đường băng, khán giả ngồi xem ở tầng hai và ba.
Chương trình bắt đầu bằng khoảnh khắc nghệ sĩ opera Phạm Thùy Dung cất giọng giai điệu La Bohème: Quando Men Vo Soletta. Người mẫu Hoàng Yến đặt những bước catwalk đầu tiên, mở màn cho bộ sưu tập lấy cảm hứng đa vũ trụ. Sau khoảng 10 thiết kế, tiếng opera nhỏ dần, nhường chỗ cho những âm thanh điện tử từ nghệ sĩ Thành Chu. Từ cảm giác mênh mang của vũ trụ ban đầu, show bẻ ngoặt sắc độ, mở ra nhịp điệu nhanh của thời trang đường phố.
Rendezvous là phần tiếp theo của Inflowing - show thời trang lớn đầu tiên của Cường Đàm năm ngoái với thông điệp "Hạt mầm gửi tương lai". Tiếp nối hình ảnh con tàu vũ trụ hình hạt gạo đáp xuống Trái đất trong Inflowing, Rendezvous tượng trưng cho hình ảnh tương lai, khi các cá thể gặp gỡ, cùng khai phá những luồng năng lượng mới.
Bộ sưu tập đem tới những thiết kế streetwear đầu tiên của Cường Đàm như trang phục denim, hoodie, blazer, váy cạp trễ mang những đường cong hình học cực đại, thể hiện lối tư duy về kiến trúc của nhà tạo mốt. Nhiều bộ váy áo ôm sát cơ thể tối màu mang tinh thần của những tay đua cự phách - nguồn cảm hứng đang phủ sóng thời trang thế giới.
Tính đối lập là giá trị cốt lõi của Rendezvous và phong cách thiết kế của Cường Đàm.
Nhà thiết kế kết hợp giữa thời trang mang tính ứng dụng - đại chúng với nghệ thuật - cao cấp. Những bộ đầm cut-out sexy thống trị làng mốt toàn cầu, váy áo bất đối xứng, crop top khoe cơ bụng, hay áo khoác gắn khoen kim loại, áo mang cấu trúc kỳ quái. Tất cả đều thể hiện tư duy thẩm mỹ avant-garde, phối hợp cùng chất đương đại với đường cắt táo bạo.
Cường Đàm còn chơi đùa với tỷ lệ của quần áo. Anh thực hiện các đường cắt hay phối trang phục với độ ngắn dài thay đổi đột ngột, tạo nên hiệu ứng bắt mắt. Mọi chi tiết từ chất liệu đến phom dáng, phong cách đều được diễn giải bằng cảm hứng vị lai, thông qua cách phối hợp trang phục đời thường cùng phụ kiện độc lạ in 3D.
Cách chọn địa điểm trình diễn cũng cho thấy dụng ý về sự đối lập văn hóa. Nhà hát Lớn - biểu tượng văn hóa của Hà Nội - trở thành không gian thăng hoa của những thiết kế đường phố phóng khoáng, nổi loạn trên nền âm nhạc cổ điển.
Tính đối lập còn thể hiện trong lối trình diễn của các người mẫu. Người catwalk chậm rãi, người bước gấp gáp, người chạy vòng quanh, người lao nhanh ra cửa. Phần kết show ấn tượng khi fashionista Quỳnh Anh Shyn - gương mặt đại diện show - cùng các người mẫu đứng nắm tay nhau tạo thành vòng tròn thể hiện sự kết nối. Sau đó, tất cả bất ngờ chạy ra khỏi sàn diễn Nhà hát Lớn, đổ xuống đường phố và lẫn vào dòng xe đông đúc.
Theo nhà thiết kế, những hình ảnh này mang nhiều dụng ý, đặt ra câu hỏi "Sau cuộc gặp gỡ của các cá thể khác biệt, điều gì sẽ diễn ra?". Trên hành trình đi tìm màu sắc cho riêng mình, họ cùng hội tụ ở Rendezvous và tìm thấy những mảnh ghép cá tính còn thiếu. Khi sự trọn vẹn được lấp đầy, họ có đủ năng lượng để bắt đầu quá trình mới - điều hứa hẹn được Cường Đàm giải đáp ở show tiếp theo.
Sau màn trình diễn kéo dài 30 phút, nhiều khán giả vẫn nán lại lâu để chúc mừng nhà thiết kế, trong đó có nghệ sĩ Dzung Yoko. Tác giả của Mindfulness (Chánh niệm) cho biết xúc động trước cách "kể chuyện thời trang" khác biệt, mang tính quốc tế của Cường Đàm.
"Rendezvous không phải là một show thời trang đơn thuần mà là sự kết hợp của nhiều ngành nghệ thuật. Show có lắng đọng, có cao trào, nhịp điệu, có xa có gần, có thể hình, ánh sáng, âm thanh, khiến cho người xem đắm mình trong những trải nghiệm thích thú", anh nói. Dzung Yoko cho rằng nếu các chi tiết được thể hiện mạnh hơn nữa, show sẽ khiến khán giả "đã" hơn.
Ý Ly