Báo cáo mới công bố của Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI cho biết người tiêu dùng chi 53.740 tỷ đồng mua sắm trên Shopee quý đầu năm, giúp sàn này tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, với thị phần 67,9% tính theo tổng giao dịch (GMV).
Các thứ hạng còn lại trong "bộ tứ" thị phần sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam không đổi. Trong đó, đứng thứ 3 và 4 là Lazada và Tiki lần lượt chiếm 7,6% và chiếm 1,3% thị phần.
Trong khi đó, nhân tố đáng chú ý là vị trí á quân của TikTok Shop, chiếm 23,2% thị phần, tăng thêm đến 6,3 điểm phần trăm so với quý IV/2023. Ba tháng đầu năm, người Việt chi 18.360 tỷ đồng mua sắm trên đây, tăng đến 15,5% so với quý IV/2023. GMV của sàn này hiện gấp 3 lần Lazada.
Tại TikTok Shop Summit 2024 mới đây, nền tảng này tiết lộ đã thu hút được 2,8 triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia. Trong năm 2023, số lượng các nhà bán hàng duy trì GMV ổn định tăng 3 lần, lượt xem các phiên livestream và các video ngắn tăng 12 lần.
Cùng với đó, GMV đạt được qua tính năng tìm kiếm trên trang mua sắm của TikTok Shop tăng 32 lần. Điều này cho thấy, ngoài thói quen lên Shopee tìm kiếm sản phẩm cần thiết để mua online, người Việt dần có hành vi tìm hàng trực tuyến trên nền tảng video này.
Trong quý vừa qua, người Việt cũng "chi bạo" hơn cho mua sắm trực tuyến, vượt xa dự báo của các sàn. Tính chung 5 sàn lớn nhất gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho biết doanh thu bán lẻ quý I tổng cộng đã cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng trưởng đến 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, 766,7 triệu đơn vị sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng, tăng 83,21%. Các dữ liệu này được Metric độc lập thu thập sau khi đã loại bỏ các hàng hóa ở dạng dịch vụ, quà tặng có sản lượng bán bất thường, đơn ảo và chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.
Theo báo cáo, kết quả vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.
Nguyên nhân tăng trưởng mạnh được cho là nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa được triển khai, người dân có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn và mua sắm online đang ngày càng trở thành thói quen tiêu dùng thường nhật.
Ngoài ra, tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến cũng phù hợp với đà hồi phục của ngành bán lẻ nói chung. Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại dịch vụ quý I sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,2%.
Ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường YouNet ECI dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn sẽ giữ vững đà tăng trưởng với GMV năm 2025 dự kiến đạt đỉnh 16,8 tỷ USD. Trong đó, "shoppertainment" (mua sắm kết hợp giải trí) chính là mắt xích chủ chốt, chiếm gần một nửa tổng giá trị hàng hóa toàn ngành với 8,1 tỷ USD.
Nguyên nhân bởi Gen Z - nhóm đối tượng chiếm hơn 73% lực lượng mua hàng trực tuyến, đã mở đường cho "shoppertainment" tăng trưởng. Theo đó, quyết định bằng trực giác, vừa giải trí vừa mua sắm và "chốt đơn" theo cộng đồng sáng tạo nội dung là ba thói quen tiêu dùng nổi bật nhất của Gen Z. Với xu hướng này, dự kiến TikTok Shop sẽ tiếp tục có cơ hội mở rộng thị phần khi có lợi thế về tính giải trí của video, livestream để kích cầu mua sắm.
Ở "ngôi vương", Shopee không đứng ngoài cuộc khi gần đây tung ra tính năng Shopee Video giới giao diện tương tác tương tự TikTok để shop gắn giỏ hàng bán sản phẩm. Thậm chí, Shopee còn khuyến khích người dùng xem nhiều video bằng cách tặng Xu (điểm thưởng) khi xem hết một video trong thời gian nhất định.
Thương mại điện tử phát triển đang góp phần củng cố tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Phân tích của bà Amanda Murphy, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp khu vực Nam và Đông Nam Á HSBC và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc khối khách hàng doanh nghiệp, HSBC cho thấy Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á cho đến năm 2025.
Nhà băng này đánh giá Việt Nam đang là thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số. Nơi đây cũng được dự báo sẽ sở hữu 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet.
Khảo sát của HSBC cho biết 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Họ tin rằng việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ đáp ứng được kỳ vọng khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Trong hành trình này, nhóm chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tập trung vào việc kiểm soát chi phí và tăng doanh thu. Bên cạnh đó, cần xem xét lại cách tiếp cận vốn để quản lý chi phí vốn và đảm bảo doanh nghiệp sẽ trụ vững lâu dài.
Viễn Thông