Trên nhóm cộng đồng tài xế AhaMove, nhiều shipper đăng bài chia sẻ bị phạt vi phạm hành chính khi ra đường sau 18h. Đa số cho biết do bản thân nghĩ rằng được phép hoạt động giao hàng sau thời gian này như những gì công ty thông báo. Do đó, sau khi bị phạt, nhiều tài xế đã liên hệ với tổng đài AhaMove nhưng vẫn chưa nhận được giải thích rõ ràng.
"Tôi điện tổng đài và cũng tự tìm hiểu thêm trên các kênh thông tin nhưng tới giờ vẫn chưa xác định rõ shipper có thể hoạt động sau 18h hàng ngày hay không", anh Tài (quận 12) băn khoăn.
Các shipper cho biết, trước đó, cuối ngày 26/7, ứng dụng AhaMove gửi thông báo đến các tài xế khẳng định họ vẫn được phép hoạt động bình thường trong khung giờ từ 18h đến 6h hôm sau. Điều kiện là các đối tác tài xế phải đảm bảo hàng hóa vận chuyển thuộc nhóm các sản phẩm thiết yếu và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Giải thích vấn đề này, đại diện AhaMove cho biết, họ đã căn cứ theo công văn 2490 của UBND TP HCM trong đó có quy định các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu được hoạt động nên nghĩ rằng shipper được phép vận chuyển sau 18h.
"Chuyện shipper bị phạt công ty cũng bất ngờ. AhaMove đang làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc có được ra đường sau 18h hay không và vẫn đang chờ phản hồi chính thức", đại diện AhaMove nói và cho biết tạm thời công ty cũng đã thông tin đến các tài xế dừng hoạt động sau 18h hàng ngày.
Trong khi đó, hiện các nền tảng khác như Grab, Gojek, Now... đến nay chỉ hoạt động từ 6h đến 17h hàng ngày.
Ngoài việc lúng túng không biết được ra đường giao hàng sau 18h hay không, một số shipper cho biết ngày hôm nay cũng đã bị lực lượng chức năng nhắc nhở, yêu cầu quay về vì không đảm bảo đủ các dấu hiệu nhận biết theo quy định của UBND TP HCM.
Theo đó, các shipper được yêu cầu phải làm bảng tên bằng thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty, ứng dụng công nghệ nhận diện shipper bằng QR code. Đồng thời, nhân viên giao hàng phải đeo băng tay nền xanh đậm, in chữ "Shipper" màu trắng, kích thước ống đeo cao 20cm.
Hiện tại, Grab đã gửi mẫu bảng tên cho các đối tác. Theo đó, bảng tên shipper của hãng này gồm một ảnh chụp chân dung, họ tên tài xế, tên doanh nghiệp, địa bàn đăng ký hoạt động và mộc đỏ của Grab. Tuy nhiên, việc in ấn Grab giao cho phía tài xế tự thực hiện. Tương tự, hãng này cũng thông báo trước mắt các đối tác tự chuẩn bị băng đeo tay nhận diện, Grab sẽ thông báo về thời gian và địa điểm nhận băng đeo tay do doanh nghiệp chuẩn bị sau.
Nhiều tài xế cho rằng, tuy Grab đã có động thái hỗ trợ gửi mẫu nhưng giao họ tự in ấn các vật dụng nhận diện trong điều kiện như hiện nay là rất khó. Vì hiện tại các cửa hàng in ấn đều đóng cửa, các shipper không dễ tìm được cơ sở in bảng tên và băng đeo tay. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chưa đề cập gì về mã QR nhận diện trong thông báo gửi đến các tài xế.
Đại diện Grab cho biết vẫn đang làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng để có phương án hoạt động theo hướng đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; đồng thời đáp ứng nhu cầu giao nhận hàng thiết yếu, giúp người dân yên tâm ở nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Trong khi đó, Now hiện đã phát đi thông báo với các đối tác đến nhận bảng tên tại các địa điểm. Doanh nghiệp này quy định rõ, những tài xế không đến nhận bảng tên sẽ tạm thời bị khóa tài khoản. Shipper cũng chỉ được hoạt động trong khu vực quận đã đăng ký, những trường hợp vi phạm sẽ không được hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều tài xế cho biết, do địa điểm nhận bảng tên quá ít nên dẫn đến tình trạng tập trung đông người, lo ngại khó đảm bảo khoảng cách an toàn.
Đến trưa nay, AhaMove cũng có động thái hỗ trợ các đối tác trong việc đảm bảo công việc giao hàng. Doanh nghiệp này đã lập danh sách tài xế đăng ký với Sở Công Thương TP HCM. Để tiếp tục làm việc, tài xế được yêu cầu mặc đúng đồng phục công ty, chuẩn bị giấy thông hành trên ứng dụng (cấp qua mã QR), giấy tờ tùy thân và tin nhắn thông báo cấp phép hoạt động của Sở Công Thương gửi đến điện thoại. Tuy nhiên, các shipper chỉ được giao hàng trong một quận nhất định.
Trước đó, TP HCM đã ra văn bản quy định, kể từ ngày 26/7 chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hoá thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên 1 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Ngoài các giải pháp hiện nay như thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy chứng nhận thông hành, ứng dụng quản lý đơn hàng..., các đơn vị phải làm ngay bảng tên bằng thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper, nhận diện shipper bằng QR Code. Đồng thời, nhân viên giao hàng phải đeo băng tay nền xanh đậm, in chữ "Shipper" màu trắng. Ngoài ra, các shipper sẽ cần được xét nghiệm nhanh định kỳ (khuyến khích 7 ngày một lần).
Các đơn vị không quản lý shipper bằng ứng dụng công nghệ (như nhân viên giao hàng của siêu thị...) cũng phải thực hiện các yêu cầu trên và tập hợp danh sách gửi Sở Công Thương xác nhận.
Tất Đạt