Điều gì đã xảy ra với tay săn bàn số một đến từ Đông Âu thời ấy? Đó là câu hỏi mà nhiều năm đã trôi qua, đồng đội cũ John Obi Mikel vẫn không thể trả lời.
"Andriy là một người kiệm lời kinh khủng. Đừng bao giờ chờ đợi anh ấy chủ động mở lời. Đấy là người đồng đội lặng lẽ nhất mà tôi từng biết", Mikel nói về cảm giác được thi đấu cạnh Shevchenko, tại Chelsea. "Andriy sở hữu một bản lý lịch phi thường tại AC Milan. Tôi lớn lên cùng với những màn trình diễn của anh ấy qua truyền hình. Thế nên, khi Andriy thực sự gia nhập Chelsea, tôi như bị choáng ngợp. Chúng tôi không thể hiểu nổi vì sao anh ấy lại rời Italy để sang đây, vì anh ấy có nói gì đâu – không nói trên sân cỏ, không nói trên sân tập và cũng chẳng nói ngoài sân. Thật là kỳ lạ!".
Sheva ít nói, nhưng lại có quá nhiều điều để nói về anh. Anh có một sự nghiệp rực rỡ, với tài nghệ không thể chối cãi. Nhưng trong danh sách những bản hợp đồng tồi nhất qua mọi thời đại, dù được trưng cầu ở bất kỳ tờ báo hay trang web nào, người ta đều dễ dàng thấy tên anh trong nhóm đầu.
Nhưng 14 năm trước, chẳng ai nhìn thấy viễn cảnh ấy. Khi Chelsea phá kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Anh - 30,8 triệu bảng - để kéo anh ra khỏi Milan hè 2006, ai cũng tin đấy là sự kết hợp tốt. Chelsea vừa vô địch Ngoại hạng Anh hai năm liền. Không chỉ muốn xây chắc vị thế thống trị tại Anh, Chelsea còn mơ về Champions League và kỳ vọng Sheva sẽ giúp hiện thực hoá giấc mơ đó.
Ấy vậy mà Sheva lại mang đến nhiều vấn đề, hơn là những điều tích cực mà Chelsea chờ đợi. Nhãn tiền, anh chính là lý do lớn khiến mối quan hệ giữa ông chủ Roman Abramovich và HLV Jose Mourinho, vốn đã rạn nứt từ trước, dần đi đến chỗ bất khả cứu vãn.
Mourinho bước vào mùa giải 2006-2007 với tâm trạng không tốt, dù Chelsea vừa đăng quang thuyết phục ở Ngoại hạng Anh. Mới vòng thứ ba của mùa 2005-2006, "The Blues" đã leo lên đỉnh bảng và giữ vị trí độc tôn đó đến hết giải. Nhưng bên ngoài sân cỏ, mọi thứ không tốt đẹp như thế.
Ở Champions League, Chelsea bị Barca loại từ vòng 1/8, trong hai lượt trận mà Mourinho bất lực nhìn đội nhà bị vây hãm từ đầu chí cuối. Hành trình chinh phục Cup Liên đoàn và Cup FA lần lượt kết thúc sớm trước Charlton (vòng 3) và Liverpool (bán kết).
Những thất bại này buộc Mourinho phải thay đổi về lối chơi. Ông sẽ phải nghĩ ra một chiến thuật mới và cần những con người mới. Một trung phong nữa, để đá cặp với Didier Drogba, được xem là mảnh ghép sống còn.
Những phương án có sẵn tại CLB lúc đó đều không phù hợp. Hernan Crespo, chơi ổn với 13 bàn khi kết thúc mùa giải, muốn trở lại Italy. Eidur Gudjohnsen luôn đóng góp nhiều cho CLB từ năm 2000, nhưng quan hệ giữa anh và Mourinho đã rạn nứt. Cầu thủ từ tuyến trẻ Carlton Cole tiềm năng nhưng còn quá non, nên đã được mang cho West Ham mượn.
Mourinho mới trình lên ban lãnh đạo một danh sách rút gọn gồm năm cái tên. Một nguồn tin nội bộ của Chelsea nói với The Athletic: "Số này có những cái tên lừng lẫy, Samuel Eto’o của Barca là một trong số đó. Đứng cuối danh sách này là Shevchenko, và có thể Mourinho chỉ điền tên anh ta vào vì lý do chính trị. Mourinho biết trong số những cầu thủ Abramovich muốn mời về Chelsea, Shevchenko là người ông chủ khao khát nhất".
Nhưng Mourinho có lẽ đã không ngờ đến việc Abramovich không đếm xỉa tới bốn cái tên còn lại trong danh sách, phá luôn kỷ lục chuyển nhượng của giải Ngoại hạng Anh vì Sheva. Ngày 31/5/2006, Shevchenko ký hợp đồng bốn năm với Chelsea, với mức lương khủng 115.000 bảng/tuần (khoảng 145.000 USD/tuần). Mourinho còn biết nói gì trong tình huống này? Ông đành phải cố làm đẹp lòng ông chủ: "Hôm nay, giấc mơ của tôi thành sự thật. Andriy luôn là lựa chọn số một của tôi cho vị trí tiền đạo từ khi tôi vừa đến. Cậu ấy có chất lượng tuyệt vời, có tham vọng, kỷ luật và ý thức chiến thuật tuyệt vời".
Nhưng Sheva không thể giải bài toán của Mourinho, mà chỉ mang đến cho ông những cơn đau đầu mới. Trong số những ngôi sao mà Abramovich mang về Chelsea từ khi ông mua lại CLB, Sheva là cầu thủ duy nhất không đến với tư cách nhân viên của tỷ phú người Nga. Sheva là một người bạn. Hoặc cao hơn thế, Sheva là người mà Abramovich hâm mộ.
Năm 2003, khi Abramovich bắt đầu làm chủ Chelsea, cũng là năm AC Milan hạ Juventus để vô địch Champions League 2003. Sheva là người sút thành công quả luân lưu quyết định ở trận chung kết. Tên tuổi chân sút Ukraine vang lừng toàn cầu, và Abramovich đã sớm mê mẩn anh.
Sau khi mua lại Chelsea, Abramovich bắt đầu nâng cấp đội hình. Ông đến Milan để gặp Ban lãnh đạo Inter, bàn chuyện mua một vài cầu thủ. Thật tình cờ khi cuộc gặp mặt được thu xếp tại khách sạn Bốn Mùa, vào đúng hôm Sheva có hẹn gặp đối tác của anh để nói chuyện.
Vừa nhìn thấy Sheva tại khách sạn, Abramovich tìm cách gặp ngay. Về sau, Sheva kể lại trên Guardian: "Tôi tình cờ có cuộc hẹn tại khách sạn Bốn Mùa vào đúng lúc Roman ở đấy. Và người tôi hẹn gặp đã giới thiệu tôi với Roman. Rất thẳng thắn, ông ấy hỏi tôi có muốn khoác áo Chelsea hay không, và tất nhiên tôi từ chối. Vì tôi đang hạnh phúc tại AC Milan. Chúng tôi vừa vô địch Champions League. Sau năm phút nói chuyện thêm, tôi từ biệt".
Nếu Sheva nghĩ câu chuyện dừng lại ở đó, rõ ràng anh đã đánh giá thấp ông chủ giàu có của Chelsea. Tháng 5/2004, Abramovich và Giám đốc Điều hành Chelsea Peter Kenyon hẹn gặp phó Chủ tịch Milan, Adriano Galliani. Dẫu hai bên ra sức thanh minh đấy chỉ là cuộc nói chuyện thông thường, tất cả đều biết lý do chính của cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên, khi ấy Sheva vừa giúp Milan đoạt scudetto, nơi anh ghi 24 bàn qua 32 trận, và anh vẫn chưa muốn rời khỏi Serie A. Cũng năm ấy, Sheva giành luôn Quả Bóng Vàng.
Nhưng người giàu... có cái xuất sắc của người giàu. Tuy chưa giành được Sheva, Abramovich vẫn chiếm được cảm tình của trung phong người Ukraine. Đến năm 2005, họ đã là bạn bè thật sự, nói chuyện với nhau ngày càng nhiều hơn. Trước thềm trận chung kết Champions League 2005 với Liverpool, khi được hỏi về Abramovich, Sheva nói: "Tôi thật sự trân trọng mọi thứ ở Roman: sự nghiêm túc, tận tâm, cách ông ấy cố kiến tạo Chelsea. Tôi thật sự dành cho Roman sự trân trọng lớn".
Trận chung kết năm ấy trở thành ác mộng với Sheva. Không chỉ chứng kiến đội nhà đánh mất lợi thế dẫn ba bàn sau giờ nghỉ, anh còn sút hỏng quả luân lưu quyết định. Sau này, Andrea Pirlo có kể lại nỗi ám ảnh khủng khiếp mà đêm Istanbul để lại ở mỗi cầu thủ Milan. Lần đầu tiên từ khi đặt chân đến Italy năm 1999, Sheva nghĩ đến chuyện rời khỏi đó.
Vài tháng sau, người ta thấy Abramovich và Sheva nói chuyện với nhau trên sân, trước trận giao hữu giữa Chelsea và AC Milan hè 2005. Một cuộc chuyển nhượng chỉ là vấn đề thời gian, dù AC Milan lúc này ra sức giữ. Để toại nguyện, Abramovich phải nhờ đến một bên thứ ba, vì hợp đồng của anh và Milan còn hiệu lực tới năm 2009, và anh không muốn mạo hiểm mối quan hệ tuyệt vời ở AC Milan.
Và thế là Kristen Pazik, vợ Sheva, vào cuộc. Trong lúc Abramovich và Sheva chơi với nhau, hai bà vợ đã kịp kết thân. Vợ của Abramovich lúc ấy, Irina, liên tục rỉ tai Kristen Pazik về cuộc sống tuyệt vời ở London. Lúc ấy, Kristen đang mang thai đứa con thứ hai của Sheva, trong khi Jordan, con đầu, hãy còn nhỏ. Kristen muốn hai con của cô dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính. Từ nước Anh, vợ chồng cô đi về Ukraine cũng gần, và sang Mỹ - quê hương của Pazik - cũng đều tiện hơn từ Italy. Quyết định của Sheva chuyển sang Chelsea về sau, vì thế, mang tính xã hội và cá nhân nhiều hơn là bóng đá.
Trong lúc vợ thuyết phục Sheva, Chelsea đã sẵn sàng trả món tiền lương mà Milan đề nghị cho Sheva. Dù Galliani giữ nguyên quan điểm không để Sheva ra đi với bất kỳ giá nào, Sheva vẫn kiên quyết được chuyển sang London sinh sống. Biết mình không thể giữ một cái đầu đã hướng về nơi khác, Milan đã bán Chelsea với chi phí cao thứ sáu trong lịch sử chuyển nhượng. Sheva cũng đã gần 30 tuổi rồi, nhưng đấy vẫn là một quyết định đau lòng, nhìn từ phía Milan.
Galliani về sau kể: "Đây là một chiến thắng của tiếng Anh trước tiếng Italy. Tôi đã cố thuyết phục cậu ấy ở lại đến tận những phút cuối cùng. Trong thời gian tôi làm việc cho Milan, đây là cuộc chia tay đau lòng nhất".
Ông chủ Milan, Silvio Berlusconi, đón nhận tin này với tâm trạng còn tệ hơn. Bảy tháng sau khi Sheva ra đi, Berlusconi biến nỗi tiếc nuối thành sự giận dữ. Ông nói, nhắm về Sheva và đặc biệt là cô vợ: "Một Milanista đích thực, một người đàn ông chân chính không ai hành xử như thế. Ở trong nhà tôi, tôi là người quyết định. Nhưng Sheva lại để cho vợ cậu ta nắm quyền. Khi vợ la hét, cậu ta chui xuống gầm giường như một con cún. Vợ cậu ta muốn đến London, để bọn trẻ con hít sương mù cho phổi khỏe mạnh và anh ta nghe theo. Chuyện kết thúc như vậy đấy".
Và giờ chúng ta hãy trở lại với một câu hỏi hệ trọng: vai trò của Mourinho trong vụ chuyển nhượng này thế nào? Tháng 1/2007, trả lời BBC Radio 5, Giám đốc Kenyon bối rối trước câu hỏi ấy. Ông ngập ngừng trả lời: "Ờ, thật ra, ờ, đàm phán đã diễn ra, ờ, từ trước khi Mourinho sang Chelsea. Nó đã diễn ra trong nhiều năm cho đến khi chúng tôi thật sự có được cậu ấy".
Vậy là quá rõ, Mourinho không hề chủ động chiêu mộ Sheva. Khi đặt tên Sheva vào cuối danh sách mong muốn của mình, ông hoàn toàn không nghĩ Chelsea có thể mua được anh. Và một điều nữa mà vạn lần ông không ngờ tới: vì sao một chân sút tài ba dường ấy lại không thành công tại Chelsea? Mà nào phải vì Mourinho không cố sử dụng anh?
Chỉ ba tuần trước khi Sheva chuyển CLB, anh gặp một chấn thương nặng ở đầu gối, trong trận Serie A với Parma. Khó có chuyện anh được nghỉ ngơi để hoàn toàn hồi phục, vì 2006 là năm World Cup. Là thủ quân, Sheva phải nhận trọng trách dẫn dắt đội tuyển Ukraine dự vòng chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử.
Mùa hè trên đất Đức, Sheva ghi hai bàn, gồm bàn thứ ba trong trận thắng Saudi Arabia 4-0, và một quả phạt đền trước Tunisia. Nhưng phong độ của anh rớt thảm hại dù Ukraine chơi ấn tượng và vào tới tứ kết. Anh mang phong độ ủ dột ấy vào mùa giải đầu tiên tại Chelsea, dù khởi đầu rất hứa hẹn. Trong trận tranh Siêu Cup Anh, Sheva ghi một bàn vào lưới Liverpool sau pha di chuyển thông minh và dứt điểm lạnh lùng.
Anh ghi một bàn nữa trong trận thua Middlesbrough 1-2 ở Ngoại hạng Anh. Rồi phải đến hai tháng nữa, cái tên Shevchenko mới trở lại trên bảng điện tử. Hiệu suất ấy quá xa lạ với một "cỗ máy" từng ghi 173 bàn qua 269 lần khoác áo AC Milan.
Abramovich đã làm mọi cách để khiến Sheva cảm thấy hạnh phúc. Ông bố trí chỗ ở sang trọng tại London trong khi vợ chồng anh tìm mua nhà. Ông là khách tại khách sạn Cocoon ở Mayfair, khi Sheva tổ chức sinh nhật lần thứ 30. Trong các khách mời đến tiệc còn có những người đồng đội như John Terry, Frank Lampard hay Michael Ballack.
Nhưng hóa ra đấy là một đêm hiếm hoi mà Sheva sinh hoạt cùng với các thành viên trong đội. Còn lại là một sự xa cách, im lặng. Mikel nói với The Athletic: "Các cầu thủ Chelsea kết thân với nhau dễ dàng. Chúng tôi nỗ lực trên sân tập, chiến thắng trên sân cỏ nên cũng kết nối rất tốt ngoài xã hội. Báo chí không phải ai cũng thấy điều này. Nhưng Sheva không có mặt ở những cuộc tụ tập. Anh ấy không ra ngoài nhiều với chúng tôi. Lúc nào anh ấy cũng chỉ ở nhà. Có lẽ vì Sheva không nói được tiếng Anh".
Nhân viên hậu cần làm nhiệm vụ với các cầu thủ, Gary Staker, là một trong những người bạn hiếm hoi của Sheva, vì anh này nói được tiếng Italy. Thủ môn dự bị Carlo Cudicini là một người khác. Sau này có thêm Branislav Ivanovic, vì hậu vệ này nói tiếng Nga.
Rồi trong một giai đoạn của mùa giải, Sheva ghi được ba bàn trong ba trận liền. Cả ba lần anh đều đá cặp với Drogba. Stamford Bridge khi ấy mơ về một sự kết hợp trong mơ, đặc biệt là ở trận thắng 4-0 trước Watford, nơi Drogba lập một hattrick và Sheva ghi bàn còn lại.
Nhưng đến tháng 1/2007, giấc mơ này tan vỡ. Droga không còn thấy thoải mái với Sheva trên hàng công. Sau này, anh kể lại: "Tôi không nhìn thấy thiện chí phối hợp của anh ấy. Có lẽ vì là một bản hợp đồng lớn, Sheva chịu áp lực phải chứng tỏ bản thân bằng những bàn thắng. Ban đầu, tôi rất vui vẻ được hỗ trợ. Nhưng khi giúp một ai đó, bạn cũng trong chờ một sự đền đáp. Và dù đã cố gắng đặt mình vào vị trí của anh ấy, tôi vẫn phải đặt tập thể lên trên hết".
Thực ra, chính Drogba cũng là một phần của vấn đề. Mikel giải thích: "Didier luôn thích những thử thách. Trận đấu càng khó khăn, cuộc cạnh tranh vị trí càng lớn thì anh ấy càng cố chứng tỏ. Và đó chính là vấn đề khi Sheva tới, Drobga đã cố nâng cao màn trình diễn của bản thân lên để chứng tỏ anh ấy mới là nhân vật chính".
"Nhưng tôi đã nhìn thấy trong những buổi tập, Didider cố giúp Sheva. Khi buổi tập kết thúc, họ có thêm những buổi tập riêng. Lampard cũng hỗ trợ Sheva không ít. Họ luôn cổ vũ những đồng đội khác tham gia cùng", Mikel nói thêm.
Với một cú ngoặt bóng rồi dứt điểm bằng chân trái vào góc xa, Shevchenko làm câm lặng khán đài White Hart Lane và nhắc mọi người nhờ về đẳng cấp của anh. Nhiều CĐV Chelsea có mặt trong trận thắng 2-1 tại tứ kết Cup FA vào tháng 3/2017 tấm tắc: chỉ bàn thắng này thôi đã xứng đáng với số tiền chuyển nhượng rồi.
Nhiều thành viên trong phòng thay đồ Chelsea cũng phấn khích. Mikel nhớ lại: "Chúng tôi đều nghĩ: 'Chà, Sheva đích thực đã xuất hiện rồi đây'. Đấy là một pha dứt điểm siêu đẳng. Chúng tôi đã nghĩ đây chính là khởi đầu cho những điều tuyệt vời sắp tới. Từ sau bàn thắng này, mọi sự sẽ hanh thông. Nhưng điều ấy không bao giờ xảy ra. Sheva không bao giờ là Sheva ở AC Milan nữa".
"Không phải là Sheva không ghi bàn. Chelsea đã cố kích thích sự bùng nổ. Mọi người đều cố giúp anh ấy. Nhưng anh đã không ghi bàn vào những lúc chúng tôi cần. Anh ấy gần 30, và chúng ta đều biết ở tuổi ấy, một cầu thủ sẽ mất đi mỗi thứ một chút".
Truyền thông nước Anh bắt đầu loan tin Mourinho và Abramovich căng thẳng vì Sheva. Vì phong độ Sheva không như mong đợi, Mourinho đã giam anh trên ghế dự bị. Khi đề cập đến tám gương mặt không thể động đến trong đội hình xuất phát, Mourinho tất nhiên đã không gọi tên Sheva. Báo chí bắt đầu tuồn ra câu chuyện: "Mourinho cảm thấy không thoải mái với những cầu thủ có quan hệ thân thiết với Abramovich".
Sheva đâu phải cầu thủ mắc bệnh ngôi sao. Khi Mourinho đưa ra những chỉ thị, anh cúi đầu cầu thị. Anh cũng là một cầu thủ kỷ luật, luôn nỗ lực để cải thiện tình hình. Anh không bao giờ than phiền, không nói xấu ai, cũng không phải mẫu cầu thủ ủ dột vì mọi thứ không như ý. Mikel kể: "Nếu không được đá cuối tuần, Sheva vẫn đến sớm vào đầu tuần và tập luyện rất tốt. Nhìn cách ứng xử của Sheva, một cầu thủ trẻ như tôi đã rút ra được nhiều bài học. Tôi thật sự đã học được nhiều từ anh ấy".
Sau khi đá chính trong trận chung kết mà Chelsea hạ Arsenal để đoạt Cup Liên đoàn, Sheva chấn thương. Anh phải ngồi ngoài trong trận chung kết Cup FA đầu tiên tổ chức tại sân Wembley mới tu sửa. Ở đó, Drogba giúp Chelsea đánh bại Man Utd. Sheva cũng ngồi ngoài trận chung kết Champions League, nơi Chelsea đã mất danh hiệu về tay Man Utd.
Hè 2007, căng thẳng giữa Mourinho và Abramovich không có dấu hiệu giảm bớt. Mourinho muốn thêm một tiền đạo đẳng cấp để tăng sức ép, buộc Sheva phải cố gắng hơn. Nhưng ông chỉ có được Claudio Pizarro đến theo dạng chuyển nhượng tự do. Chưa dừng lại ở đó, Abramovich còn chỉ định Darren Campbell – VĐV chạy nước rút dự Olympic của Anh – vào đội để giúp Sheva cải thiện thể lực. Ông muốn làm mọi thứ tốt nhất cho ngôi sao người Ukraine dù Mourinho thật sự không muốn thêm người vào đội ngũ huấn luyện của mình. Sheva thì vẫn chưa nói chuyện nhiều hơn chút nào với các đồng đội. Anh thêm xa cách khi chuyển về Wentworth ở Surrey sống, nơi ấy nhà anh đấu lưng vào một sân golf nổi tiếng. Và từ ấy, Sheva đã chia sẻ tình yêu bóng đá của mình với một môn thể thao khác.
Tiền vệ Steve Sidwell nói với The Athletic: "Anh ấy mặc đồ đánh golf cả ngày. Tôi không có ý nói Sheva là một người tách biệt với đám đông. Khi tập luyện, anh ấy vẫn tập đầy nghiêm túc".
Nhưng liệu bóng đá có còn là số một trong đời của Sheva như thuở còn khao khát lập danh ở Milan? Giờ Sheva đã là một ông bố hai con, và chợt thấy golf là một môn thể thao tuyệt vời biết bao. Sự phân tâm là có thể hiểu được. Chỉ một tháng sau khi mùa giải mới bắt đầu, Mourinho bị sa thải sau trận hòa 1-1 trên sân nhà trước Rosenborg. Sheva chính là người ghi bàn cho Chelsea. Và dường như Darren Campbell đang cho thấy sự hiện diện của ông có hiệu ứng rõ rệt lên Sheva.
Campbell nói lúc ấy: "Dưới thời Mourinho, Sheva không được chơi lối chơi quen thuộc như khi còn ở Milan. Ở đó, anh luôn được tung những pha nước rút để đón bóng nhờ làm việc cùng với một HLV dạy chạy. 30 mét đầu có ý nghĩa quyết định".
Nhưng rồi mọi thứ vẫn... y như cũ. Ngay cả khi người bạn thân của Abramovich là Avram Grant được bổ nhiệm với mục tiêu rõ ràng là vực dậy phong độ của Sheva. Một lần nữa, chỉ có những khoảnh khắc lóe sang gieo hy vọng, rồi lại chìm nghỉm. Trận đấu với Aston Villa vào tháng 12, anh lập một cú đúp, rồi chấn thương lưng ngay trong trận ấy. Sheva mất vài tháng để hồi phục. Sau đó anh còn mắc thêm chứng sa ruột.
Đến hè 2008, Sheva nói với báo Italy Corriere della Sera là thể lực của anh giờ chỉ đạt 40% như thời còn ở Milan. Và lần đầu tiên anh bày tỏ nguyện vọng rời Chelsea. Chelsea đã sẵn sàng cho một cuộc chia tay, khi bỏ 15 triệu bảng ra chiêu mộ Nicolas Anelka từ Bolton. Ngay cả việc để Sheva ra đi, Abramovich cũng chơi đẹp. Không có tiền trả lương, Milan chỉ xin mượn Sheva từ Chelsea, và Chelsea vẫn trả phần lớn tiền lương. Một năm sau, anh được phép trở lại Dynamo Kiev theo dạng chuyển nhượng tự do.
Sau này Sheva nhớ lại: "Abramovich gần như chấp thuận tức thì yêu cầu của tôi. Tôi giải thích lý do ra đi của mình rõ ràng, rằng nó không phải do CLB, đồng đội hay HLV. Cách duy nhất tôi lấy lại trình độ thi đấu của mình là trở lại Milan".
Ngày rời Chelsea, Sheva đã khoác áo Chelsea được 77 trận, ghi 22 bàn. Trận chung kết Cup Liên đoàn 2007 là lần cuối anh khoác áo The Blues. Mối liên hệ giữa anh và Chelsea hiện nay vẫn tốt, anh thường xuyên đến xem các trận đấu tại Stamford Bridge. Sheva cũng đã làm tốt công việc của một HLV. Đội tuyển Ukraine đã thuê anh làm HLV từ 2016, và Sheva đã mang họ đến VCK Euro, diễn ra hè sang năm vì đại dịch Corona.
Người đàn ông nay 43 tuổi vẫn giữ căn nhà tại Wentworth. Đứa con trai thứ hai của anh – Kristian - hiện 13 tuổi và là thành viên của Học viện bóng đá Chelsea. Sheva không có chút hiềm khích nào với CLB cũ, tiếng Anh giờ cũng tốt hơn. Nhiều người dự báo anh sẽ trở thành HLV của Chelsea trong tương lai. Có thể đó sẽ là một chương vui vẻ hơn chương cầu thủ.
Mà thực ra Sheva đã không đến Chelsea như một cầu thủ. Anh giống như một người bạn, đến khoác áo đội bóng của một người bạn vì yêu quý hơn là chinh phục một đỉnh cao sự nghiệp nào đó. Vì những điều tốt đẹp anh đã để lại hết cả ở Italy rồi.
Hoài Thương (theo The Athletic)