Phút 42, Sheffield hưởng quả đá phạt bên cánh trái. Tiền vệ Oliver Norwood treo bóng xoáy vào trong, và thủ thành Orjan Nyland lao ra ôm gọn. Nyland tiếp đất không vững, bị dúi về sau. Cộng thêm tác động từ đồng đội, thủ môn Aston Villa phải lùi lại sau vạch vôi khi vẫn ôm bóng. Cầu thủ Sheffield giờ tay đòi bàn thắng, nhưng trọng tài Michael Oliver cho trận đấu tiếp tục vì tín hiệu bàn thắng từ công nghệ Goal-line chưa báo về đồng hồ của ông. Do tin tưởng vào công nghệ, trọng tài Oliver không nhờ VAR giúp đỡ.
Pha quay chậm cho thấy bóng rõ ràng đã trôi qua vạch vôi, đồng nghĩa Sheffield ghi bàn thắng hợp lệ. HLV Sheffield - ông Chris Wilder cười nhạt sau khi hết hiệp một. Ông tìm đến trọng tài Oliver trong giờ giải lao để tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Oliver xác nhận rằng đáng lẽ bàn thắng phải được công nhận.
Đài Sky Sports sau đó xác nhận rằng Goal-line không hoạt động trong hiệp một. Đồng hồ của Oliver chỉ báo bàn thắng trong giờ giải lao. Lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện năm 2013, Goal-line mắc lỗi.
Trận đấu khép lại với tỷ số hòa 0-0. Với một điểm đạt được, Sheffield vượt qua Wolverhampton để lên thứ sáu. Đội quân của Wilder vẫn kém Man Utd một điểm. Nếu Goal-line hoạt động như thường lệ, Sheffield có thể thắng và vượt qua cả Man Utd trên bảng điểm.
Sai lầm đầu tiên của Goal-line khiến giới mộ điệu thảo luận xôn xao. Trên mạng bóng đá Reddit soccer, tài khoản wrdb2007 viết: "Goal-line vẫn đang bị cách ly". JedH44 phản hồi: "Cách ly xã hội tức là bóng phải đi qua vạch hai mét mới được tính là bàn thắng".
Goal-line là công nghệ xác định bàn thắng đã qua vạch vôi hay chưa, dựa vào cảm biến máy tính và các máy quay độ nét cao. Công nghệ Goal-line xuất hiện đầu tiên ở Ngoại hạng Anh năm 2013, được cung cấp bởi Hawk-Eye - một hệ thống thường dùng trong quần vợt. Hawk-Eye chỉ có sai số trong khoảng 5 milimet.
Xuân Bình (theo Yahoo, Sky Sports)