Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) ghi nhận tổng tài sản tại ngày 30/6 ở mức 659.767 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 36.629 tỷ đồng. Đồng thời, huy động vốn thị trường I của ngân hàng này đạt 500.177 tỷ đồng.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB cũng chạm mức 25,91%; có chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) thấp là 22,25% nhờ chuyển đổi số, tự động hóa quy trình vận hành. Bên cạnh đó, với dư nợ tín dụng 475.267 tỷ đồng, đơn vị thuộc nhóm đầu ngân hàng cung ứng dòng vốn ra thị trường.
Trước bối cảnh nhu cầu vốn cải thiện, toàn hệ thống đã chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng, cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận, đáp ứng nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Ngoài ra, các chỉ tiêu về an toàn hoạt động tiếp tục được củng cố, quản trị rủi ro theo Basel II và Basel III. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của SHB ở mức 12,32%, cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm, SHB tập trung giám sát và xử lý, thành lập các tổ từ hội sở đến chi nhánh, phòng giao dịch, trực tiếp làm rõ và đưa ra giải pháp thu hồi nợ xấu, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn.
Trước đó, ngày 19/7, SHB chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, thời gian thực hiện là ngày 6/8. Ngân hàng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện thủ tục phát hành cổ tức 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11% trong quý III, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.
Nhà băng đảm bảo quyền lợi cổ đông, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hằng năm với tỷ lệ 9,9 - 18% trong 5 năm qua, riêng cổ tức 2023 chi trả bằng hình thức tiền mặt và cổ phiếu. SHB liên tục nâng cao nền tảng vốn, hệ số an toàn vốn, quản trị rủi ro tốt hơn so với quy định, đồng thời, định hướng phát triển bền vững, cải thiện năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, mô hình hiện đại.
Song song, SHB tập trung nguồn lực để triển khai Chiến lược Chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện dựa trên bốn trụ cột: cải cách cơ chế, chính sách, quy định, quy trình; con người là chủ thể; lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; hiện đại hóa công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ngân hàng cũng duy trì 6 giá trị văn hóa cốt lõi: tâm, tin, tín, tri, trí và tầm.
Giai đoạn tiếp theo, đơn vị đặt mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng top 1 Việt Nam về hiệu quả; ngân hàng số được yêu thích nhất; bán lẻ tốt nhất, đồng thời, đứng đầu về cung ứng nguồn vốn, sản phẩm tài chính dịch vụ với khách hàng doanh nghiệp chiến lược tư nhân và Nhà nước. Đơn vị xây dựng chuỗi cung ứng, giá trị, hệ sinh thái và phát triển xanh.
Nhật Lệ