Theo SHB, biến động trong giới lãnh đạo cấp cao của hệ thống ngân hàng đang cho thấy những tín hiệu về việc tái cấu trúc lại các chiến lược kinh doanh. Sự xuất hiện của các nhân sự phù hợp với quá trình phát triển mới là điều mà giới đầu tư đang chú ý khi đánh giá về tiềm năng trong tương lai của ngành ngân hàng.
Hồi đầu tháng 8, Hội đồng quản trị ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) quyết định miễn nhiệm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê theo nguyện vọng vì lý do sức khoẻ. Đi cùng SHB hơn hai thập kỷ, đến nay cựu Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê là một trong những CEO trẻ nhất ngành ngân hàng Việt Nam khi nắm quyền tại SHB, hơn 20 năm liền chỉ gắn bó với một ngân hàng thương mại.
"Một lãnh đạo đi cùng ngân hàng qua những thăng trầm, hiểu rõ từng đường tơ, kẽ tóc sẽ để lại khoảng trống lớn khi họ rời đi, không chỉ với trường hợp của SHB. Song ở chiều ngược lại, điều này lại tạo cơ hội cho những làn gió mới xuất hiện. Thực tế, việc thay đổi nhân sự cấp cao cũng đang diễn ra tại nhiều nhà băng", đại diện SHB nhận định.
Với SHB, một trong những bước ngoặt trong lịch sử phát triển ngân hàng là thương vụ sáp nhập với Habubank năm 2012. Thương vụ này giúp SHB rút ngắn thời gian nhiều năm phát triển quy mô, song cũng để lại không ít hệ lụy với bài toán nợ xấu. Hệ quả là tốn nhiều năm sau sáp nhập để xử lý các tồn dư khiến SHB chậm nhịp hơn về mặt áp dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số.
Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu lớn của nhà băng này trong 5 năm tới là chuyển đổi số toàn diện, được thực hiện bằng 6 giải pháp lớn, gồm nhóm giải pháp hướng tới khách hàng, nhóm dữ liệu lớn, nhóm số hóa, nhóm tối ưu hóa quy trình, nhóm hạ tầng công nghệ và nhóm mô hình quản trị.
"Để làm được điều này, làn gió mới ở cương vị lãnh đạo cấp cao là điều cần thiết. Những lãnh đạo với độ tuổi trẻ hơn cũng là xu hướng hiện nay bởi họ có khả năng thích ứng với công nghệ mới nhanh hơn, tư duy nhạy bén hơn", đại diện SHB khẳng định.
Tại SHB, nhiều thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc hay các giám đốc, phó giám đốc khối đều thuộc thế hệ 8x.
Bên cạnh câu chuyện nhân sự, câu chuyện kinh doanh của SHB cũng có nhiều điểm mới. Theo đó, cổ phiếu của nhà băng này đã tăng 8/10 phiên gần nhất, với giá trị vốn hóa hiện đạt hơn 2,4 tỷ USD. SHB là một trong những ngân hàng hiếm hoi còn room ngoại trên thị trường chứng khoán. Nhà băng này vừa được chấp thuận khóa room ngoại ở mức 10% để tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
"Việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE - thị trường có quy mô vốn hóa hơn 5 triệu tỷ đồng - sẽ là đòn bẩy gia tăng giá trị cho SHB, giúp triển vọng trong tương lai khởi sắc hơn", đại diện SHB nhận định.
Ngoài room ngoại, SHB vẫn còn nhiều thương vụ lớn khác, như việc thoái vốn tại Công ty tài chính SHB Finance hay các kế hoạch tăng vốn lên 26.000 tỷ đồng trong năm nay.Báo cáo về SHB đầu tháng 6 của SSI đánh giá, thu nhập bất thường từ thoái vốn SHB Finance, SHB Lào và SHB Campuchia và thời gian phát hành cổ phiếu sớm hơn ước tính sẽ là những yếu tố làm tăng định giá cổ phiếu này. Đồng thời SSI cũng tăng dự báo lợi nhuận của SHB trong năm 2021 và 2020 lên lần lượt 6.060 tỷ (tăng 85,5% so với cùng kỳ) và 7.400 tỷ đồng (tăng 22,6%). ROE ngân hàng dự kiến lên 15-16%, từ mức 10-13% trong các năm trước. Gánh nặng nợ xấu giảm dần và sự tăng trưởng mạnh của vốn chủ sở hữu giúp SHB có thể tăng tốc về quy mô và lợi nhuận, báo cáo SSI về SHB đánh giá.
An Nhiên