Ngày 30/12/2022, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội thành Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance). Các thông tin về trụ sở công ty, loại hình kinh doanh, vốn điều lệ không thay đổi.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2025 và Tổng giám đốc của SHB Finance, trong đó có các thành viên đến từ SHB và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri).
Hoạt động này là một trong những bước cuối cùng trong lộ trình chuyển nhượng vốn điều lệ của SHB tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản. Sau đây, hai bên sẽ xúc tiến các thủ tục còn lại để sớm hiện thực hóa thỏa thuận.
Trước đó, ngày 5/8/2021, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Krungsri. Sau khi hai bên hoàn thành các thủ tục đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Đại diện SHB cho biết, thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng. Nhà băng này sẽ tận dụng tối đa nguồn vốn từ thỏa thuận kể trên để đầu tư củng cố nền tảng, thúc đẩy phát triển các phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực phòng ngừa rủi ro.
Mức đệm vốn được tăng cường từ thỏa thuận trên sẽ góp phần giúp ngân hàng tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trên cơ sở duy trì các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định tại Thông tư 41. Việc nâng cao các chỉ số phát triển an toàn là cơ sở để SHB tiến tới Basel III, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Lãnh đạo SHB cũng nhấn mạnh, việc bắt tay với đối tác có nền tảng tài chính mạnh, phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị; công nghệ; năng lực tài chính; phát triển khách hàng, sản phẩm; mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế; nâng cao uy tín, hình ảnh.
Theo đại diện SHB, năm 2022, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng đạt tăng trưởng tốt so với năm 2021. Tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, tỷ lệ quản lý rủi ro đều ở mức cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ chuẩn mực quốc tế.
Nhà băng này cũng hoàn thành nhiều giải pháp số hóa trong sản phẩm, kênh bán hàng cũng như quy trình hoạt động, từ đó giúp nâng cao trải nghiệm và thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Ngoài ra, nhiều chương trình, sản phẩm gắn liền với lợi ích của khách hàng, có sức cạnh tranh trên thị trường cũng được triển khai.
Năm qua, SHB tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho cổ đông bằng việc tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch về thông tin, chi trả cổ tức 15%. Ngày 4/1/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận sửa đổi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng với số vốn điều lệ mới là 30.674 tỷ đồng. Ngày 9/1/2023, cổ phiếu được phát hành chi trả cổ tức nêu trên chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Năm 2023, SHB kỷ niệm 30 năm thành lập, đồng hành phát triển cùng đất nước. Ngân hàng tiếp tục hiện thực hóa chiến lược kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ, chuyển đổi số toàn diện, đồng thời nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn mực Basel II và chuẩn bị hoàn thiện Basel III, phát triển bền vững.
Tuệ Minh