Những năm trước, phiên họp thường niên của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thường chỉ xoay quanh hai vấn đề chính là cổ tức và việc xử lý những tồn đọng liên quan đến sắp nhập Habubank. Nhưng tại phiên họp năm nay, tổ chức chiều ngày 24/4, câu hỏi của các cổ đông chỉ xoay quanh những định hướng mới, bởi hai đầu việc trước đều đã được SHB giải quyết xong.
Năm nay, sự chú ý của nhà đầu tư với SHB tập trung vào việc tăng vốn, tìm cổ đông chiến lược, bán cổ phần tại SHB Lào - Campuchia và bán vốn tại Công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, riêng với vấn đề tìm cổ đông chiến lược và bán vốn tại các đơn vị thành viên, SHB dự kiến thực hiện với các đối tác nước ngoài.
Trong đó, với SHB Finance, ngân hàng này đã lựa chọn 2-3 đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn. Việc này dự kiến hoàn tất trong năm nay, với mục tiêu lựa chọn đối tác có năng lực phù hợp và hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho biết ngân hàng cũng đặt mục tiêu chuyển nhượng vốn tại SHB Lào và SHB Campuchia cho nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ bán sẽ giao cho Hội đồng quản trị quyết định sau. Đồng thời SHB cũng đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động của hai chi nhánh này từ ngân hàng một thành viên thành mô hình hai thành viên trở lên hoặc cổ phần tùy theo luật pháp Việt Nam và các nước sở tại.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của SHB Lào và SHB Campuchia lần lượt đạt 85 tỷ đồng và 164 tỷ đồng.
Với cổ đông chiến lược, SHB đã trình và thông qua việc chốt "room" nhà đầu tư ngoại hiện tại không quá 20% vốn điều lệ ngân hàng. Phần dư 10% được dùng để tìm đối tác chiến lược. Lãnh đạo nhà băng này cũng cho biết hiện đã có một số tập đoàn tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư nước ngoài thể hiện mong muốn.
Ngoài việc chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, SHB còn đưa ra ba phương án tăng vốn khác trong năm nay. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu trong quý II với tỷ lệ 10%. Đến quý III, SHB chia tiếp cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5%.
Ngoài ra, SHB cũng dự định chào bán gần 540 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 28% cho cổ đông hiện hữu (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua 28 cổ phiếu mới). Mức giá chào bán là 12.500 đồng mỗi cổ phần, bằng một nửa thị giá hiện tại của cổ phiếu SHB trên sàn chứng khoán, thời gian phát hành có thể cũng trong quý III. Nếu hoàn thành ba phương án này (chưa tính việc chào bán cho đối tác chiến lược), vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên hơn 26.600 tỷ đồng.
Trước ý kiến của cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn, ông Hiển khẳng định điều này là cần thiết, do việc phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài chỉ mới ở bước đàm phán, chưa thể khẳng định có thể thực hiện được ngay trong năm nay. Theo đó, phát hành cổ phiếu cho cổ đông là phương án khả thi nhất.
"Hãy nghĩ đến sức khỏe doanh nghiệp, ngân hàng. Chúng ta cho nhiều thuốc bổ, gia đình có điều kiện, thì chúng ta có thể chống chọi được khó khăn hiện tại và tương lai. Chưa kể, nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn đang có, đặc biệt sau khủng hoảng", Chủ tịch SHB nói.
Từ các phương án tăng vốn, Hội đồng quản trị SHB cũng đưa ra hai kịch bản lợi nhuận cho năm nay, tùy thời điểm hoàn tất tăng vốn.
Trường hợp hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông trong quý III, lợi nhuận trước thuế năm 2021 có thể đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 88% so với thực hiện năm 2020. Trường hợp hoàn thành trong quý IV, lợi nhuận dự kiến hơn 5.800 tỷ đồng, tăng 78%.
Minh Sơn