Shaun the sheep: Farmageddon (Người bạn ngoài hành tinh) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 27/9. Phim tiếp nối phần một ra mắt năm 2015, với nhân vật chính là chú cừu nghịch ngợm tên Shaun.

Shaun cùng cô bạn ngoài hành tinh Lula kết hợp "quậy tưng" xóm làng trong phần hai của phim.
Nếu phần một Shaun the Sheep: The Movie (Cừu quê ra phố) là việc Shaun cùng đồng bọn tự tìm đến rắc rối bằng việc đình công, chuốc thuốc mê ông chủ rồi tá hỏa đi tìm vì lạc mất ông giữa thị thành nhộn nhịp thì ở phần này, rắc rối tự tìm đến Shuan.
Trong một lần mải chơi, Lula - cô bạn từ hành tinh khác, vô tình đáp phi thuyền xuống trái đất. Khi loay hoay chưa tìm được lối về, cô rơi vào danh sách bị truy nã của lực lượng kiểm soát. Trên đường trốn chạy, Lula gặp Shaun, họp thành cặp bài trùng ăn ý quậy tưng bừng trên hành trình tìm đường về lại xứ sở.

Cuộc đời Shaun tràn ngập những trò quậy phá, nghịch ngợm.
Ở phần mới, Shaun the Sheep: Farmageddon được làm theo phong cách phim câm, hoàn toàn không có thoại từ đầu đến cuối. Mọi thứ người xem nghe được là vài câu ú ớ vô nghĩa, hay tiếng "bee...bee..." quen thuộc. Dù vậy, Shaun the sheep vẫn khiến người xem chăm chú vào màn hình nhờ vào việc xây dựng các tình huống có tính chọn lọc, đơn giản nhưng có dụng ý. Phần khác là lối giao tiếp bằng ngôn ngữ hình ảnh sáng tạo giúp người xem vẫn hiểu câu chuyện dù nhân vật chỉ gầm gừ.

Chú cừu Shaun và chú chó Bitzer bất đắc dĩ phải giúp cô bạn ngoài hành tinh Lula trở về xứ sở của mình.
Ngoài ra, phần hai vẫn trung thành với lối làm phim hoạt hình tĩnh (stop motion), một kỹ thuật gắn liền với lịch sử điện ảnh thuở còn sơ khai. Cách làm này yêu cầu rất cao về tính tỉ mỉ khi mỗi giây chuyển động là hàng trăm bức ảnh ghép nối lại mà thành. Vật liệu tạo hình nhân vật đa dạng: từ đất sét, mùn cưa, rơm rạ, cho đến thùng xốp, bông giấy... Bên cạnh đó, để đáp ứng cho mỗi biểu cảm nhân vật, nhà sản xuất buộc phải chuẩn bị sẵn nhiều khuôn mặt khác nhau.
Xem trailer phim "Shaun the sheep: Farmageddon":
Hải My