Theo Associated Press, nhà máy của Sharp ở Kameyama dự kiến đạt sản lượng 150.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày đến cuối tháng 3/2020, hướng tới mục tiêu 500.000 chiếc mỗi ngày. Cơ sở sản xuất này được đánh giá là phù hợp để sản xuất khẩu trang do đáp ứng tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh. Sharp, thuộc sở hữu của Foxconn, hiện chưa công bố mức giá bán và kế hoạch phân phối loại sản phẩm này.
Đeo khẩu trang khi ra đường là cảnh tượng phổ biến tại Nhật Bản, đặc biệt trong mùa đông khi người dân muốn ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng kể từ khi Covid-19 bùng phát ở quốc gia này, khẩu trang trở thành một món hàng xa xỉ, tương tự giấy vệ sinh. Thậm chí, các cửa hàng bán lẻ chỉ cho phép mỗi người mua một hộp khẩu trang.
Ở một số quốc gia khác ngoài Nhật Bản, tình trạng thiếu khẩu trang khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên các sàn thương mại điện tử. Tuần qua, Jorome Adams, bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng ở Mỹ, đã kêu gọi người dân Mỹ ngừng tích trữ khẩu trang.
"Mọi người nên ngừng mua khẩu trang", Adams viết. "Khẩu trang không hiệu quả trong việc ngăn chặn virus corona, nhưng nếu các nhân viên y tế không có khẩu trang để đeo khi chăm sóc bệnh nhân thì chúng ta sẽ thực sự gặp nguy hiểm".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, những người khỏe mạnh chỉ nên đeo khẩu trang khi chăm sóc người bị nghi nhiễm virus corona. Còn những người có triệu trứng Covid-19 có thể hạn chế sự lây lan bằng cách rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên.
Ngoài Sharp, Foxconn cũng xây dựng dây chuyền riêng để sản xuất khẩu trang tại nhà máy ở Long Hoa, tỉnh Thâm Quyến (Trung Quốc) kể từ đầu tháng 2/2020. Công ty lắp ráp thiết bị theo hợp đồng lớn nhất thế giới lên kế hoạch sản xuất 2 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày và "không loại trừ khả năng xuất khẩu".
Việt Anh (theo The Verge)