- Theo ông những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản trong năm 2020?
- Năm 2020 sẽ là một năm có những điều chỉnh lớn của thị trường. Thực chất, bước điều chỉnh này đã bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2019, nhưng năm nay sẽ tác động mạnh mẽ và sâu rộng hơn.
Thứ nhất, tác động của các vấn đề về pháp lý khiến cho nguồn cung dự án ở Hà Nội nói riêng và nhiều thành phố lớn sụt giảm. Điều này khiến cho thị trường khan hiếm các dự án về nhà ở, giá nhà có xu hướng tăng.
Thứ hai, những yếu tố tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt, cộng với thời điểm cuối của một chu kỳ tăng trưởng liên tục của thị trường, khiến thanh khoản giảm.
Cuối cùng, những quy hoạch mới tại Thủ đô sắp được phê duyệt và công bố, đặc biệt là vùng ven góp phần khiến phạm vi đầu tư bất động sản mở rộng.
- Khách hàng nên chọn những dự án như thế nào để đầu tư trong giai đoạn này?
- Những điều chỉnh dưới tác động của chính sách cũng như từ phía khách hàng và nhà đầu tư khiến thị trường bị giảm cung nhưng đồng thời lại cũng giảm lượng giao dịch. Xét về mặt quy luật của thị trường thì những yếu tố tác động này có vẻ như ngược chiều nhau, nhưng thực chất lại rất có logic. Logic ở đây chính là sự sụt giảm về nguồn cung khiến cho việc thiếu hụt những sản phẩm có đủ tiêu chí đáp ứng nhà đầu tư và khách hàng, vì vậy lượng giao dịch sẽ giảm.
Những dự án đáp ứng đồng thời được cả hai yếu tố đầy đủ pháp lý và có tính thanh khoản tốt có thể đảm bảo sự thành công cho khách hàng trong giai đoạn này.
- Ngoài nhà ở, những sản phẩm nào có tiềm năng?
- Việt nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với những tác động rất mạnh mẽ. Kể từ khi ra nhập WTO (năm 2006) tới năm 2018 vừa qua, chúng ta đã hầu như mở cửa hoàn toàn đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có bán lẻ. Đầu tư nước ngoài và kiều hối tăng liên tiếp trong hàng chục năm qua và liên tục đạt những kỷ lục. Vì vậy, nếu như giai đoạn 5 năm vừa qua (2015-2019) là thời của bất động sản du lịch thì 2018-2023 sẽ dành cho bất động sản thương mại văn phòng, nhất là ở các thành phố lớn.
Chúng ta còn đang rất thiếu nhiều mặt bằng bán lẻ theo mô hình hiện đại, đồng thời là các điểm trung chuyển và warehouse (kho hàng) cho thương mại điện tử và giao hàng, Đây vốn là một trong những lĩnh vực phát triển nhảy vọt trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, mô hình nhà phố thương mại đa năng, kết hợp bán lẻ, kho trung chuyển, trưng bày sản phẩm và văn phòng cho công ty vừa và nhỏ sẽ lên ngôi. Trong đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư quan tâm tới yếu tố lãi vốn (bất động sản tăng giá trong tương lai ngắn) và yếu tố dòng tiền khai thác. Mô hình nhà phố thương mại (shophouse) do việc sở hữu đồng thời cả nhà ở cả quyền sử dụng đất, với tính năng sử dụng linh hoạt sẽ có cơ hội tạo được cả hai nguồn lợi tức nói trên. Người trong giới địa ốc thường nói đó là đầu tư "lợi nhuận kép".
- Khi chọn shophouse, nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?
- Lưu ý lớn nhất là vị trí. Shophouse phải nằm ở nơi có giao thông thuận tiện cho hướng tiếp cận của khách hàng và hậu cần (logistics) cho việc lưu thông hàng hoá theo đường bộ, đường sắt, hàng không.
Về pháp lý, do những thay đổi và siết chặt các yêu cầu về pháp lý trong thời gian gần đây, nên chúng ta phải xem cụ thể chức năng sử dụng được ghi trong bản quy hoạch và thiết kế được phê duyệt có đúng chức năng thương mại – dịch vụ hay không, thời hạn sử dụng đất và công trình như thế nào.
Điều cuối cùng khách hàng cần quan tâm khi mua shophouse là uy tín của nhà phát triển dự án. Phải đảm bảo rằng nhà phát triển dự án có đủ năng lực về tài chính, uy tín và kinh nghiệm để hoàn thành đồng bộ toàn dự án, đảm bảo khả năng đưa vào sử dụng và khai thác có hiệu quả trong thời hạn cam kết. Sản phẩm uy tín và chất lượng sẽ tăng khả năng sinh lời cho khách hàng.
Thành Dương