Askany tham gia gọi vốn 2 tỷ đồng cho 7% cổ phần khi tham gia Shark Tank tập hai mùa 7, phát sóng ngày 5/8. Startup này ra đời năm 2022 với mục tiêu tư vấn, cố vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đơn vị kết nối doanh nghiệp đến mạng lưới 200 chuyên gia thuộc 16 lĩnh vực như marketing, thuế, kế toán, luật... Chia sẻ tại chương trình, đại diện startup cho biết mong muốn xây dựng cộng đồng chuyên gia giỏi chuyên môn để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm ra giải pháp, đưa ra các tư vấn hữu ích để thúc đẩy phát triển.
Với Askany, doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm và đặt lịch tư vấn linh hoạt 15 phút hoặc theo giờ với các chuyên gia đầu ngành. Theo đại diện startup này, ứng dụng mang đến giải pháp tư vấn, cố vấn với mức phí rẻ hơn nhiều so với những mô hình truyền thống. Mỗi tháng, đơn vị ghi nhận từ 300 đến 500 giờ tư vấn, tập trung vào các lĩnh vực thuế, digital marketing và luật.
Nói về mô hình hoạt động bán các gói tư vấn trực tuyến từ chuyên gia, doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) cho rằng đây là khái niệm còn mới mẻ ở Việt Nam. Theo ông, ở các quốc gia khác, ý tưởng hay tư vấn từ những người có nhiều kinh nghiệm rất đắt giá với doanh nghiệp. Gói tư vấn theo giờ có thể lên đến nghìn USD. Shark Bình đánh giá mô hình của Askany có tiềm năng nhưng cần trải qua quá trình truyền thông, định hướng lâu dài.
Nhận định về Askany, Shark Bình còn dùng từ "con nhà giàu". Đơn vị này đã chi 27 tỷ đồng trong suốt ba năm khởi nghiệp. Trong đó, chi phí cho đội ngũ phát triển ứng dụng hàng tháng lên đến 700 triệu đồng. Startup này cũng mạnh tay chi tiền cho các biển quảng cáo tại sân bay và nhiều vị trí đẹp tại TP HCM.
Shark Bình cũng đánh giá cao đội ngũ phát triển của Askany khi tự hoàn thiện ứng dụng tư vấn với các tính năng như gọi video, chat... Tuy nhiên, theo ông, đơn vị hoàn toàn có thể tiết kiệm nhiều chi phí thông qua sử dụng các nền tảng tích hợp từ bên thứ ba thay vì tự phát triển. Giao diện, cách tương tác của ứng dụng cũng có nhiều điểm cần cải thiện để thân thiện, dễ sử dụng hơn.
Ban đầu Shark Bình đưa ra đề nghị 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần công ty. Sau khi trao đổi, ông nâng lên 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Tuy nhiên đại diện công ty từ chối lời đề nghị. Ngoài Shark Bình, Shark Hưng đưa ra góp ý nên hướng đến mô hình tư vấn với nhân vật AI mô phỏng các chuyên gia ngoài đời.
Chia sẻ sau khi tham gia Shark Tank, đại diện startup cho biết ý tưởng khởi nghiệp đến từ việc chứng kiến các doanh nghiệp nhỏ và startup đối mặt với nhiều thách thức về xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, quản lý tài chính, phát triển sản phẩm. Để vượt qua những khó khăn này, doanh nghiệp cần đến sự cố vấn, tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm.
Nhu cầu về tư vấn hiện tại trải rộng ở nhiều lĩnh vực như kế toán, luật mà, marketing digital, công nghệ thông tin. "Điều này tạo ra cơ hội để chúng tôi đa dạng hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau", đại diện đơn vị nói.
Hoài Phương