Ngày 17/4, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ cho biết đàn sếu 30 con về được nửa tháng. Nhưng năm nay chúng không đậu tại những bãi cỏ bàng quen thuộc mà tìm nơi yên tĩnh, thật sâu trong cánh đồng. Chiều đàn sếu lại bay qua Anlung Pring, Campuchia để ngủ.
Cách đó 150 km, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), chiều 16/4 đã có gia đình sếu 3 con bay về đây. "Gia đình sếu này đã quay về phân khu A4 xuyên suốt trong 3 năm từ 2017 đến 2019, riêng năm 2020 chúng không về", ông Lê Thành Cư, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết.
Là một tình nguyện viên bảo tồn sếu tại Hội Sếu quốc tế, thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM), hay tin sếu về Tràm Chim đã tức tốc về đây nghiên cứu.
Theo ông Bảo vì sếu về rất muộn nên có thể chỉ ở lại vườn vài ngày rồi đi. Chu kỳ bình thường chúng về là cuối năm trước và ở lại vườn đến cuối tháng 4 thì bay về Campuchia để tích lũy năng lượng cho mùa sinh sản.
Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 2012 được công nhận là khu Ramsar (đất ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và là đầu tiên ở miền Tây, với diện tích hơn 7.300 ha. Đây là một trong những nơi cư trú của sếu đầu đỏ nổi tiếng thế giới và là yếu tố quan trọng giúp Tràm Chim đạt danh hiệu khu Ramsar.
Tuy nhiên, số lượng sếu tại đây giảm rất nhanh qua các năm. Thống kê Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam cho thấy, năm 1998 lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim là 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và 2019 đều 11 con.
Còn tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, sếu về nơi này nhiều nhất là năm 2003, với hơn 500 con. Năm 2016, khu bảo tồn được thành lập, diện tích gần 2.900 ha. Trong đó, vùng lõi 1.200 ha được quy hoạch để bảo vệ đồng cỏ bàng, là nơi giữ môi trường để sếu đầu đỏ về sinh sống. Vùng đệm gần 1.700 ha là nơi tập trung phát triển an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư. Sau đó chỉ có khoảng 120 con sếu về kiếm ăn, rồi giảm dần. Đến mùa khô 2019 chỉ còn 54 con.
Ông Bảo nhận định, sự suy giảm quần thể sếu có nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do mất sinh cảnh sống. Các sinh cảnh đất ngập nước tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi thành đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, làm phá vỡ cân bằng hệ sinh thái dẫn đến sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại.
Những năm qua các khu bảo tồn đã chú trọng phát triển sinh cảnh vườn tràm trên bãi năng để thu hút sếu trở lại. Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng, việc thay đổi cách quản lý hệ sinh thái để hồi phục môi trường sống cho sếu phải mất rất nhiều năm.
Phúc Điền