Sếu được cứu chữa nhưng đã chết do già yếu. Anh: Nguyễn Nga. |
Ngày 4/4, Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) cho biết đàn sếu đầu đỏ liên tục về vùng đất này gần hai tháng qua. Cụ thể, các đợt sếu về ngày 5/2 với số lượng 5 con, ngày 15/2 là 11 con và 9 con vào ngày 27/3.
Trong đợt thứ ba có con sếu trống già yếu, kiệt sức được người dân phát hiện báo cho Vườn quốc gia Tràm Chim. Được cán bộ chuyên môn đưa về chăm sóc, cứu chữa nhưng sếu trống đã chết hôm 3/4.
Kiểm tra vòng đeo trên chân sếu mang số 150-0364, các cán bộ xác định con sếu này là "cư dân" lâu năm ở đây. 20 năm trước, sếu được Vườn quốc gia Tràm Chim gắn máy định vị cùng vòng đeo chân này.
"Các chuyên gia cho rằng, tuổi con sếu này tương đương với người 70 tuổi, thuộc dạng cụ sếu", bà Nguyễn Thị Nga - cán bộ Trung tâm bảo tồn Vườn quốc quốc gia Tràm Chim nói và cho biết hai năm trước sếu trống này từng dẫn gia đình (4 thành viên) về đây sinh sống một thời gian.
Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trước năm 1985, sếu đầu đỏ sinh sống trong khoảng 20.000 ha rừng, đồng cỏ tại vùng Đồng Tháp Mười. Đến nay, diện tích bị thu hẹp, nhưng vườn quốc gia Tràm Chim vẫn dành hơn 7.300 ha đất tự nhiên để tạo sinh cảnh sống cho sếu cùng các loài chim khác...
Cửu Long