4 tia sét giáng xuống khu vực xung quanh bệ phóng Pad 39B, nơi siêu tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA sẽ trải qua thử nghiệm đổ nhiên liệu (wet dress rehearsal) cho nhiệm vụ Artemis bay tới Mặt Trăng cuối năm nay. Tên lửa được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của sét bởi 3 tòa tháp và cấu trúc dây dẫn sét xuống đất thay vì động cơ đẩy.
Theo NASA, 3 tia sét đầu tiên có năng lượng tương đối thấp nhưng tia sét thứ 4 đánh trúng tháp số một trong hệ thống bảo vệ mạnh hơn nhiều. "Một trong số những tia sét hôm 2/4 là tia sét mạnh nhất chúng tôi từng thấy từ khi lắp đặt hệ thống chống sét mới", Jeremy Parsons, phó quản lý Hệ thống mặt đất của NASA, cho biết. Theo ông, hệ thống hoạt động rất tốt, giúp bảo vệ tên lửa SLS và tàu Orion an toàn.
NASA nâng cấp hệ thống chống sét ở bệ phóng 39B để bao gồm lớp chắn điện tốt hơn, ngăn cách dòng điện với phần cứng của tên lửa. Trên đỉnh mỗi tháp có cột thu lôi bằng sợi thủy tinh và dây dẫn sét. Hệ thống mới cũng trang bị một loạt cảm biến cả trên mặt đất và trạm phóng di động, giúp xác định điều kiện của tên lửa sau khi có sét ở gần đó. Vào thời điểm sét xuất hiện, tầng lõi tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion đang nối điện, nhưng động cơ đẩy tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ở bên cạnh và tầng đẩy đông lạnh tạm thời đã ngắt điện.
Sáng sớm hôm 3/4, kiểm soát viên nhiệm vụ Artemis 1 xem xét dữ liệu từ các lần sét đánh và quyết định đổ nhiên liệu vào tên lửa SLS lúc 19h20 cùng ngày theo giờ Hà Nội. Nhưng chỉ 5 giờ sau, NASA hoãn thử nghiệm do vấn đề ở thiết bị trên mặt đất tại trạm phóng di động.
Trong thử nghiệm đổ nhiên liệu, các nhân viên mặt đất của NASA sẽ đổ vào tầng lõi gần 3,2 triệu lít nhiên liệu đẩy oxy và hydro lỏng siêu lạnh. Artemis 1 là nhiệm vụ đầu tiên của SLS trong chương trình Artemis nhằm đưa phi hành gia NASA quay lại Mặt Trăng năm 2050. Artemis 1 là chuyến bay không người lái quanh Mặt Trăng để thử nghiệm SLS và tàu Orion. Bộ đôi phương tiện sẽ chở hàng loạt thiết bị và một manơcanh trang bị cảm biến.
An Khang (Theo Space)